Trang chủDiễn đànVai trò của Hội đồng trường trong tự chủ đại học

Vai trò của Hội đồng trường trong tự chủ đại học

Hội đồng trường (HĐT) được xem là một mắt xích quan trọng, thiết chế không thể thiếu khi trao quyền tự chủ trong quản trị đại học. Tuy nhiên, khi thí điểm tại một số trường đai học thì những quy đinh về quyền hạn, trách nhiệm của HĐT lại trở thành rào cản vì thực tế cho thấy HĐT chưa thể phát huy hết vai trò của mình.

Ngày 19/11, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Luật này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2019. Theo đó, một trong những điều chỉnh quan trọng trong Luật này là mở rộng quyền tự chủ cho các trường đại học. Đây được coi như chính sách cởi trói về mặt cơ chế mới giúp các trường nâng cao chất lượng giáo dục, nghiên cứu khoa học.

Tọa đàm “Rào cản tự chủ đại học trong dự thảo nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học”, do Báo Giáo dục Việt Nam tổ chức vào chiều ngày 28/10 tại Hà Nội.

Vai trò của HĐT đã được thể hiện rất rõ, cụ thể tại điều 16 của Luật sửa đổi, bổ sung: Quyền của hội đồng trường được quy định cụ thể như quyết định về chiến lược, quy hoạch, chính sách đào tạo, nghiên cứu, nhân sự, chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, ngân sách tài chính, đầu tư,…

Ngoài ra, một trong những điều kiện thiết yếu để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo mà các trường đại học đều bám sát trong quá trình tự chủ được nêu rõ tại khoản 6, điều 12 của bộ Luật: Gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ; có chính sách ưu đãi về thuế cho các sản phẩm khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học;…

Theo GS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã từng chia sẻ: Đối với HĐT, dự thảo quy định, hiệu trưởng và một phó hiệu trưởng là thành phần đương nhiên trong HĐT. Tiếp đó là thành phần đại diện của người lao động là giảng viên, tối thiểu phải chiếm 25%. Thành phần thứ ba là người bên ngoài trường, đại diện cho cộng đồng xã hội, các nhà quản lý, cựu sinh viên, người sử dụng lao động,… tối thiểu là 30% so với trước đây chỉ 20%.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, trong thời gian qua HĐT ở một số trường đại học hoạt động chưa hiệu quả do một số nguyên nhân sau: HĐT chưa thật sự là một tổ chức có quyền lực. Thực tế, vai trò hiện nay của HĐT chỉ có nhiệm vụ giới thiệu nhân sự hiệu trưởng, phó hiệu trưởng để thực hiện quy trình bổ nhiệm theo quy định; thực hiện đánh giá hàng năm việc hoàn thành nhiệm vụ của hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng,… HĐT chưa có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.

Một đề tài nghiên cứu khoa học của các bạn sinh viên đến từ trường Đại học Bách khoa TP.HCM

Cho đến nay mới có một số rất nhỏ trường đại học công lập (23/169 trường, khoảng 13,6%) dám bước đi những bước chập chững đầu tiên trên con đường tự chủ; và cũng chỉ mới có khoảng 1/3 số trường có HĐT.

TS Trần Thế Hoàng – Chủ tịch HĐT, Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho biết: Cá biệt, ở một số trường, Chủ tịch HĐT chưa từng qua quản lý cấp trường mà thường là cấp trưởng phòng, trưởng khoa và chưa được đào tạo về quản trị đại học. Trong khi Luật Giáo dục đại học (GDĐH) quy định cần có kinh nghiệm tham gia quản lý giáo dục đại học ít nhất 5 năm. Một số Chủ tịch HĐT thậm chí không có trong ban chấp hành Đảng bộ của trường đại học đã khiến nhiều HĐT chưa thật sự uy quyền.

Cũng theo GS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội: HĐT là cơ quan đại diện và thể hiện quyền lực cao nhất là đúng, chúng ta thấy trong 24 trường thí điểm vừa rồi thì hầu như không có trường nào có vấn đề gì gọi là tranh chấp quyền lực. Tất nhiên trong quá trình thí điểm có thể có sự xung đột nho nhỏ. Đối với Bách khoa, nhà trường đều nhìn lại và xem vai trò của mình phát huy đến đâu, quan trọng là góp mặt trong sự kiện, sự phát triển của trường chứ không phải mình phát huy hết cả quyền lực của mình.

Để tháo gỡ nút thắt này, “Thời gian qua tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Đảng ủy là người giám sát vai trò và hoạt động của HĐT, được thể hiện qua cơ chế phối hợp công tác giữa Đảng ủy với HĐT, cụ thể: Đảng ủy lãnh đạo toàn diện về mặt phương hướng, chủ trương, đường lối theo quy định của Đảng đối với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐT được quy định ở Luật GDĐH và Điều lệ trường đại học”, TS Trần Thế Hoàng chia sẻ.

Theo ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: HĐT ngoài vai trò giám sát, thông qua chiến lược phát triển của trường, còn tham gia vào việc “kéo” tài chính về cho nhà trường. Thế nên, nếu trong HĐT có thành phần ngoài trường tham gia thì sẽ khách quan hơn trong đánh giá.

Như HĐT Đại học Y Dược, ĐH Huế, có 4 ủy viên là người ngoài trường, bao gồm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế, Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên – Huế và một ủy viên đang công tác tại Bệnh viện Trung ương Huế. Điều này sẽ tránh được nguy cơ HĐT hoạt động trong một môi trường khép kín và góp phần khuyến khích sự phát triển cũng như lối tư duy mở theo hướng tự chủ.

Do đó, quyền hạn và trách nhiệm của HĐT thì đã được thấy rõ nhưng việc HĐT là cơ quan thực quyền cao nhất trong trường đại học thì vẫn còn nhiều băn khoăn. Đây cũng là vấn đề được thảo luận nhiều nhất tại Tọa đàm “Rào cản tự chủ đại học trong dự thảo nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học”, do Báo giáo dục Việt Nam tổ chức vào chiều ngày 28/10 tại Hà Nội.

Chỉ rõ Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến trao quyền tự chủ cho các trường đại học, TS Lê Viết Khuyến – trưởng Ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: “Trao quyền đó cho ai? Không phải cho cá nhân hiệu trưởng mà trao cho HĐT, làm rõ vai trò của hội đồng trường được trao quyền thực sự như thế nào rất quan trọng, nếu không làm được điều này thì chúng ta không thấy HĐT”.

“Logic tất yếu là khi trao quyền tự chủ cho các trường đại học thì phải thấy ai trao, ai nhận chứ không chỉ hô chung chung khẩu hiệu”, TS. Khuyến thẳng thắn chỉ ra.

Đồng tình quan điểm cần trao quyền cho HĐT, GS Lâm Quang Thiệp – Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: “Chủ trương tự chủ đại học tạo ra sự dịch chuyển quyền lực. Mà dịch chuyển quyền lực không bao giờ dễ, đó là một quá trình đấu tranh, phải có thời gian”.

Theo ông Thiệp, công cụ để thực hiện tự chủ đại học là HĐT, khái niệm này xuất hiện từ năm 2003, tuy nhiên hiện nay có rất ít HĐT, nếu có cũng không có thực quyền. Điều mà các trường đại học công lập lo sợ khi thành lập HĐT là phải chuyển quyền, mất quyền “xin – cho”. Bên cạnh đó, hiệu trưởng cũng mất quyền nếu trao quyền cho HĐT.

GS.TS Trần Đức Viên – chủ tịch hội đồng học viện, Học viện nông nghiệp Việt Nam nêu quan điểm: Để HĐT thực hiện đúng chức năng và vai trò theo luật định, cần trao thực quyền cho họ, nhưng quyền cũng đi liền với trách nhiệm, nghĩa là cùng với hiệu trưởng, HĐT (đại diện là chủ tịch) cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước nhà nước, trước xã hội, trước cán bộ, giáo viên và người học về tất cả các lĩnh vực hoạt động của cơ sở giáo dục.

Có thể thấy, những quy định trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học lần này đã thể hiện hết sức mạnh mẽ trên tinh thần tự chủ, chú trọng phát huy tối đa quyền lực của HĐT và mọi quy định đưa ra đều chưa thể hoàn thiện được, đâu đó vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, những gì đã quy định trong luật sẽ tạo nên một bước tiến mạnh mẽ và nó sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình tự chủ đại học trong thời gian tới.

                                                                       Cẩm Đào

Theo dõi fanpage chúng tôi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài viết cùng chủ đề

Đầu tư bằng hình thức đối tác công – tư (PPP) trong bối cảnh mới của TP. Hồ Chí Minh

Nối tiếp những vấn đề được đặt ra tại Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư 2023, Kỳ I Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư 2024 tập trung bàn luận các nội dung xoay quanh chủ đề “Đầu tư bằng hình thức đối tác công - tư (PPP) trong bối cảnh mới của Thành phố Hồ Chí Minh” gồm 2 phiên Trù bị và Toàn thể.

Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10

Năm học 2024 - 2025, kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập của Hà Nội gồm ba môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, không có môn thứ tư.

Tuyên dương và trao bảo trợ tài năng trẻ TP. Hồ Chí Minh năm 2023

Trong suốt 31 năm qua Quỹ Bảo trợ Tài năng trẻ TP. Hồ Chí Minh đã góp phần phát hiện, tập hợp, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ đóng góp cho thành phố và đất nước, với hàng trăm tài năng trẻ đã được tuyên duyên và bảo trợ.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra vào ngày 27-28/6

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố hướng dẫn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, trong đó có lịch thi cụ thể. Dự kiến năm nay sẽ có khoảng một triệu thí sinh tham dự kỳ thi. 

Các trường ngoài công lập ở Hà Nội được yêu cầu không thu phí giữ chỗ

Thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ngày 22/3 yêu cầu các cơ sở giáo dục ngoài công lập không thu tiền giữ chỗ. Sở sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.

Bài viết nổi bật

Thúc đẩy phát triển đô thị thông minh và phát triển bền vững qua Smart City Asia 2024

Smart City Asia 2024 là cơ hội lớn cho các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, thảo luận những vấn đề và giải pháp trong phát triển đô thị thông minh, phát triển bền vững.

Doanh nghiệp cần nhận thức rõ quản lý năng lượng trong chuyển đổi ESC

Chương trình CafeTech với chủ đề “Định hướng phát triển khu chế xuất Tân Thuận và vai trò của quản lý năng lượng trong việc chuyển đổi ESG” đã giúp doanh nghiệp nhận thức rõ hơn trong việc tìm kiếm các giải pháp công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thiểu tác động đến môi trường và phát triển bền vững trong tương lai gần.

AI và Học máy là công nghệ hàng đầu được lựa chọn trong sản xuất thông minh

AI được xếp hạng là khả năng hàng đầu mà các nhà sản xuất tin rằng sẽ mang lại kết quả kinh doanh lớn nhất. 83% nhà sản xuất mong đợi sử dụng Generative AI (GenAI) trong hoạt động của họ vào năm 2024.