Trang chủTin hotTừ phương trình đến nhà máy

Từ phương trình đến nhà máy

Tôi quen GS. TSKH. Nguyễn Phùng Quang gần 35 năm trước, khi anh mới từ CHDC Đức về làm việc ở Viện Công nghệ thuộc Bộ Cơ khí – Luyện kim. Sau một thời gian, tôi chuyển vào phía Nam, còn anh đi làm tiến sĩ ở Đức, nên cũng ít khi gặp nhau. Khi họp Đại hội VAA nhiệm kỳ 4, chúng tôi hẹn sẽ lên nhà vườn của anh ở Lương Sơn (Hòa Bình) để làm vài ly.

Ngôi nhà vườn của anh  nằm trên đồi, ven hồ nước, có view rất ấn tượng. Anh kể tuần nào cũng phải lên đây tỉa cây cam cây xoài, không lên vườn thấy người… nôn nao thế nào ấy. Tôi cũng là người nghiện tỉa hoa, nên nhìn qua cũng biết ngay vị giáo sư đầu bạc này cũng gần đạt ngưỡng… nghiện của trò cắt tỉa. Loanh quanh một hồi, tôi hỏi dạo này nghề chính của anh là gì, anh bảo thì vẫn dạy học,hướng dẫn nghiên cứu sinh, viết báo và phụ trách Chuyên san  Điều khiển & Tự động hóa của Tạp chí Tự động hóa ngày nay, rồi với tay lên giá sách đưa cho tôi một cuốn. Tôi liếc qua thấy toàn các phương trình dài ngoằng, mình có học 10 năm nữa cũng chả hiểu, bèn đùa là thế mấy dấu tích phân này đến khi nào có ích cho các nhà máy. Anh cười buồn, nói người yêu nghề tự động như ông mà còn phát biểu thế thì ngành này… làm sao khá nổi, thôi hôm nay ngày nghỉ, ta nói chuyện khác đi, tuần tới ông đến Viện Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa ở nhà Hitech, ta sẽ bàn thêm. Tôi bảo ừ thì tuần tới sẽ nói chuyện nghiêm túc, hôm nay ta cứ thử “hỏi xoáy đáp xoay” cho vui cái đã.

GS. Nguyễn Phùng Quang phát biểu tại Hội nghị Điều khiển và Tự động hóa toàn quốc năm 2011, tại Hà Nội- Ảnh Trà Giang

Tôi kể là đã đọc nhiều bài tranh luận về quan hệ nghiên cứu cơ bản – nghiên cứu ứng dụng ở các ngành toán – cơ, toán – lý, nên muốn hỏi anh là trong ngành tự động hóa, có cái “vạch vôi” nào như thế? Giáo sư Quang nhăn mặt vì câu hỏi ấu trĩ của tôi, bảo thì tuần sau sẽ bàn mà, tôi không chịu dừng, hỏi là từ góc độ nhà nghiên cứu cơ bản như anh, có biết là ở các nhà máy người ta nghiên cứu cái gì không nào? Tất nhiên là chúng tôi biết chứ, có nhà nghiên cứu nào điên để vắt óc ra viết bài mà… không ai thèm đọc đâu, nếu có điên viết vài bài thì sau vài năm cũng… tắt lửa ngay. Tôi bảo nói thật nhé, chăm đọc như tôi còn không hiểu thì phần lớn giám đốc và trưởng phòng kỹ thuật các nhà máy cũng… vậy thôi, vậy ai sẽ là người đọc mấy phương trình này? Anh nhìn tôi vẻ rất ngạc nhiên, dúi cho tôi ly bia, thôi này, uống đi cái đã, tôi vẫn sống, vẫn viết, tôi chưa điên, thế chắc là có người đọc. Chắc không? Sao lại không, tôi biết việc tôi làm chứ.
***
Theo hẹn, tôi đến Viện Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa,thấy phòng giáo sư Quang đầy ắp sách vở, đồ án tốt nghiệp, luận án thạc sĩ, tiến sĩ. Hỏi là đọc mấy núi giấy này có mỏi mắt không, anh bảo rồi cũng quen, có tuần phải đọc cả chục tập. Lại chọc anh là cho ra lò chừng này luận án, có cái nào nhà máy cần không,anh lại nhăn nhó, bảo chính mấy luận án này là một phần gạch nối giữa các nhà nghiên cứu ở các đại học với các các kỹ sư ở các nhà máy đấy. Tôi nói bây giờ bắt đầu hỏi nghiêm túc đấy nhé:

Trở lại chuyện nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, anh nghĩ trong ngành tự động hóa, các nhà nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng thế nào?

Thật ra nghiên cứu cơ bản trong ngành tự động hóa khác với ngành toán – lý, là tự thân nó có mục tiêu từ thực tế, đối tượng nhắm đến là hoạt động của các phần tử cơ bản trong hệ thống tự động và quá trình vận hành các hệ thống liên hoàn ấy. Thật ra, nghiên cứu cơ bản của chúng ta còn chưa theo kịp sự phát triển của thực tế sản xuất, vì đã nhiều năm ít ai nghiên cứu về các phần tử cơ bản của tự động hóa, vì cứ nghĩ đằng nào Việt Nam mình cũng không thể cạnh tranh với Nhật hay Đài Loan về sản xuất các phần tử ấy, nên có nghiên cứu cũng chả ăn thua gì…

Tôi cũng nghĩ là nếu chúng ta có làm vi mạch thì cũng khó đua chen với Malaisia, Đài Loan, chưa nói là với Nhật hay Mỹ, thế theo anh thì nghiên cứu phần tử cơ bản của tự động hóa là gì? Nếu phần tử đó hỏng, ta mua cái khác để thay là xong,còn nghiên cứu thì… ối giời ơi, mênh mông lắm.

Tất nhiên với số lượng ít thì đúng là như thế, và phần lớn các quốc gia đều làm thế, nhưng khi thực tế sản xuất cần một số lượng lớn thì bài toán lại khác. Hơn chục năm rồi,chúng ta luôn “giương cao ngọn cờ tích hợp” các phần tử nhập ngoại+ phần mềm và thiết bị phụ của Việt Nam, với lý do giá thành rẻ hơn, tính thích nghi cao hơn, nhờ vậy đã hình thành một số doanh nghiệp tự động hóa phát triển được. Nhưng nếu họ cứ “ngủ ngon” trên cái “giường tích hợp” thì chắc rồi cũng bị bật ra khỏi thị trường thôi.

Sao lại thế? Khi họ giương nổi “ngọn cờ tích hợp”, nghĩa là họ có các hợp đồng cung cấp thiết bị cho các dây chuyền sản xuất, họ thân thiết các nhà máy, họ làm đại lý cho các hãng chế tạo lớn, họ tích lũy nhiều kinh nghiệm làm việc từ các chuyên gia quốc tế… thì họ sẽ gom góp được cả tài lực, vật lực, trí lực để chạy đua đường trường chứ?

Vấn đề vẫn là cái tầm của anh lãnh đạo doanh nghiệp làm việc ấy. Tôi biết có một số anh đã lập các trung tâm R&D, các phòng nghiên cứu phát triển các sản phầm mới về tự động hóa, nhưng số đó ít lắm.

Quay lại chuyện Chuyên san nhé, nếu số doanh nghiệp ấy ít ỏi như anh phàn nàn, thì các phương trình của nhà nghiên cứu dành cho ai?

Đầu tiên phải dành cho giới nghiên cứu ở các đại học, các viện. Nếu các nhà nghiên cứu không đủ tầm để hiểu các vấn đề khoa học phức tạp của ngành mình, thì làm sao họ có thể đào tạo các kỹ sư giỏi được? Khi đọc các bài nghiên cứu ấy, các đại học cảm nhận được hướng đi của tự động hóa đất nước, vì các bài này thể hiện nhu cầu các ngành công nghiệp. Nó như một diễn đàn về phát triển ngành.

Một ví dụ nữa nhé: khi các công ty Hàn Quốc vào đầu tư các nhà máy smartphone ở Việt Nam, họ tìm các tạp chí chuyên ngành và đến các đại học để xem người Việt hiện nay có thể làm gì? Thế họ xem xét để chuyển các nghiên cứu cơ bản của họ sang Việt Nam ư?

Có thể họ hứa như thế, nhưng hãy tin tôi đi, tôi đã  sống ở Đức 17 năm, đã qua nhiều viện nghiên cứu, tôi dám cam đoan là các công ty lớn chỉ chuyển sang Việt Nam các nhà máy và các trung tâm training thôi,còn lâu mới chuyển nghiên cứu cơ bản, chuyển các bí mật công nghệ sang Việt Nam mình. Cái họ muốn chỉ là sức lao động giá rẻ tại chỗ, hơi đâu mà đầu tư để đào tạo trình độ cao cho ta, tiềm ẩn nguy cơ trở thành sức cạnh tranh với chính quốc của họ.

Nhưng nghiên cứu các vấn đề như anh nói cần nhiều kinh phí và nhiều thời gian, mà các nhà quản lý và nhà tài chính luôn đòi chứng minh hiệu quả, vậy tìm lời giải ở đâu?

Thế mới cần vai trò của các nhà lập chính sách phát triển khoa học và chính sách nghiên cứu – triển khai. Theo tôi, cảm nhận chung vẫn là “chưa có hiệu quả”, vẫn là “chưa góp phần thúc đẩy hiện đại hóa công nghiệp Việt Nam”, cho nên cần điều chỉnh một chút, cụ thể là xây dựng danh mục lĩnh vực cần được ưu tiên quan tâm của nền kinh tế quốc dân,sau đó xác định danh mục các vấn đề/sản phẩm, cần được ưu tiên nghiên cứu – triển khai của các lĩnh vực ấy. Từ đó các nhà nghiên cứu sẽ tìm được hướng đi.

Tôi nghĩ là việc này chương trình Tự động hóa  KC-03 đã thực hiện nhiều năm rồi chứ?

Đúng là đã có làm một số việc, nhưng không theo kịp như cầu phát triển của sản xuất. Ví dụ, 10 năm trước, có ai nghĩ đến việc cả Intel, Microsoft, Samsung cùng  ào ào đầu tư vào Việt Nam, đưa doanh thu xuất khẩu hàng điện tử Việt Nam vượt mốc 40 tỷ USD vào 2014(!). Sự chậm trễ này cũng đã được nhận ra và người ta đã nói nhiều tới việc thúc đẩy phát triển một nền công nghiệp sản xuất các “phần tử phụ trợ”, như hai nhà máy sản xuất chíp điện tử ở Hà Nội và TpHCM. Đây là một sự thay đổi định hướng đúng, tuy có hơi muộn nhưng chưa phải quá muộn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa xác định: Những nhóm nào là “phần tử cơ sở của tự động hóa” mà ta cần đặt vấn đề nghiên cứu phát triển, sẽ sản xuất tại Việt Nam vào 2020 và cần phải làm gì để mục tiêu này trở thành hiện thực?

GS. Nguyễn Phùng Quang (áo kẻ bên trái) trong cuộc họp với Ban Biên tập Chuyên san Điều khiển và Tự động hóa, trong vai trò là Trưởng Ban Biên tập- Ảnh Trà Giang

 

Thế các nhà khoa học cần gì để thực hiện việc nghiên cứu phát triển ấy:

Đầu tiên phải có sân chơi để tập hợp nguồn trí lực các nhà khoa học. Không tập hợp được nguồn trí lực  và không đào tạo được đội ngũ KH&CN đủ mạnh thì mãi mãi vẫn là phụ thuộc vào các bí quyết công nghệ ngoại nhập thôi. Có hai việc VAA đang làm: tổ chức định kỳ các hội nghị khoa học về tự động hóa  và hình thành một tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước và tiến dần ra khỏi cái “ao nhà mình”

Cái sự uy tín ấy đo lường thế nào, có giống mấy barem của Viện Toán hay Viện Cơ học bên Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam không?

Tất nhiên chúng tôi có cách làm của mình, nếu không giữ cái uy tín ấy thì làm sao có người đọc lâu dài được, chưa nói đến việc ra khỏi “ao nhà”

Anh nói xem, làm sao để những bài có dăm cây đa cây đề “bảo lãnh” mà anh dám cắt ?

Đó mới là câu hỏi có ích, dù nó rất khó. Chúng ta muốn tạp chí là một diễn khoa học ngành tự động hóa, thì không nên tự ông Tổng biên tập định hướng, mà hãy chọn các bài chất lượng tốt một cách công bằng, minh bạch. Việc này thực hiện bằng quy trình phản biện chặt chẽ, ví dụ người viết sẽ không biết người phản biện và ngược lại, thêm vào đó người phản biện tự cho điểm sự am hiểu của mình về bài viết tổ chức lấy ý kiến phản biện qua website, nếu cần tăng tốc quá trình phản biện.

Nếu phức tạp như vậy thì người viết và người phản biện liệu có đủ kiên nhẫn?

Đối với nhà khoa học, công việc nghiên cứu là sở trường, là đất sống của họ. Điều quan trọng để họ kiên trì làm việc là công nhận nỗ lực và kết quả làm việc của họ: tạp chí chuyên ngành đang làm đúng như vậy. Chỉ cần có sân chơi nghiêm túc thì nhà khoa học có thể sống được nhờ công việc nghiên cứu. Tất nhiên ở Việt Nam chưa có mấy ai sống tốt nhờ hành nghề nghiên cứu của mình, nhưng rõ ràng những nhà nghiên cứu có uy tín có ai… nghèo đâu, vì dù bài vở không có giá nhưng uy tín chuyên môn thì luôn quý như vàng vậy.

Quay lại câu hỏi cũ nhé: anh nghĩ nếu tính bình quân thì bao nhiêu lâu để các bài này có đất ứng dụng?

Cũng khó nói, nhưng tôi có một kinh nghiệm: năm 1991, tôi nghiên cứu về điều khiển phản hồi trạng thái cho động cơ xoay chiều 3 pha ở một đại học Đức, giáo sư hướng dẫn tôi nói 10 năm nữa nghiên cứu này có thể dùng được, nhưng chỉ 1-2 năm sau, với sự phát triển mạnh của IGBTs, các nhà sản xuất bắt đầu dùng kết quả nghiên cứu này vào các bộ biến tần. Còn như lý thuyết mạng nơron phải mất 15 năm mới đi vào sản phẩm. Như vậy, một nghiên cứu có đất dụng võ sớm hay muộn sẽ tùy thuộc vào sự phát triển của sản xuất. Bây giờ ở Việt Nam có nhiều nhà máy công nghệ cao sản xuất smartphone và các robot công nghiệp được sử dụng nhiều nơi, doanh số xuất khẩu các mặt hàng này nghe nói sẽ  đạt 50 tỷ USD vào 2015 và 80 tỷ USD vào 2020, thì các kết quả nghiên cứu của chúng ta cũng sẽ có “đất lành”, nếu nhà nghiên cứu cảm nhận được hơi thở của sự phát triển ngành tự động hóa…
***
Nghe anh nói, tôi hiểu được công trình nghiên cứu của các nhà khoa học chúng ta đang có ảnh hưởng tích cực đến phát triển ngành tự động hóa. Thế tạp chí chuyên sâu như thế cần hỗ trợ gì của Nhà nước.

Tôi đã có dịp gặp Bộ trưởng Nguyễn Quân về chuyện tạp chí chuyên về công nghệ cao, ông ấy đã nhanh chóng quan tâm, chúng tôi đã thảo luận cần làm gì. Trong phạm vi của Bộ KH và CN, việc có một nhà xuất bản bảo trợ ấn phẩm hay việc các chương trình phát triển công nghệ cao tài trợ cho một tạp chí chuyên ngành có uy tín là chuyện đã thành chính sách phát triển KH và CN. Tôi đánh giá cao ý kiến ông Nguyễn Quân về việc đặt mục tiêu hàng đầu của tạp chí là hội tụ được nguồn trí lực về công nghệ cao. Tất nhiên chuyện đó không hề dễ, nhưng chúng tôi đã làm, đang làm và sẽ cố gắng làm tốt hơn.

Anh thử đánh giá là với đội ngũ các nhà nghiên cứu như hiện nay, với tình hình thị trường báo viết khó khăn thế này, bao giờ tạp chí cao cấp như thế ra được 1 số/tháng?

Năm ngoái, chúng tôi mới đạt 3 số/năm, năm nay có thể lên 4 – 5 số, sang năm 5 – 6 số, và vài ba năm nữa có thể phấn đấu tạp chí ra hàng tháng. Mà như thế khối lượng công việc nhiều lắm, phải có nhiều nhà khoa học và nhà quản lý tham gia. Nhưng nếu có sự hỗ trợ quốc tế thì quá trình có thể nhanh hơn, nên Hội Tự động hóa Việt Nam đang có kế hoạch hợp tác với các Hội Tự động hóa Đức, Nhật… để mở rộng quan hệ, vì các hội nước ngoài đều nhìn thấy sự phát triển của thị trường công nghệ cao ở Việt Nam.

Chúc anh rút ngắn thời gian đạt ngưỡng 1 số/tháng. Chắc là sẽ vất vả, nhưng khi thị trường công nghệ cao phát triển nhanh như hiện nay thì có nhiều điều bất ngờ sẽ đến.q

Vinh Hoàng (ghi)

Số 171 (5/2015)♦Tạp chí tự động hóa ngày na

Theo dõi fanpage chúng tôi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài viết cùng chủ đề

Hợp tác doanh nghiệp Việt – Đức thúc đẩy phát triển xanh TP. Hồ Chí Minh

Diễn đàn Tăng trưởng xanh Việt Nam - Đức với chủ đề “Hợp tác vì phát triển xanh Thành phố Hồ Chí Minh” là cơ hội để các Sở, ngành, lãnh đạo Thành phố lắng nghe những chia sẻ, bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế xanh của Đức

VAA tham gia Triển lãm Khuôn mẫu và công cụ Đông Quản – Trung Quốc

Đoàn doanh nghiệp Việt Nam thuộc các lĩnh vực cơ khí, điện tử, hàn, tự động hóa gồm 21 thành viên đến từ các Hội, Hiêp hội như: Hội Tự động hóa Việt Nam, Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), Hội Khoa học kỹ thuật Hàn Việt Nam đã tham gia “Lễ hội mua sắm” máy công cụ, các trang thiết bị, linh kiện tại khu vực Greater Bay của triển lãm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thanh niên cần thực hiện 5 xung kích, 6 khát vọng trong chuyển đổi số

Thủ tướng cũng chỉ rõ, thanh niên phải là lực lượng xung kích, giương cao ngọn cờ tiên phong, tình nguyện đi đầu, làm chủ công cuộc chuyển đổi số và phát triển Việt Nam sớm trở thành Quốc gia số, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Đoàn Thanh niên cùng toàn thể thanh niên Việt Nam phát huy tinh thần "5 xung kích" trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số Quốc gia.

Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết về AI để bảo vệ nhân quyền

Ngày 21/3, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết về bảo vệ nhân quyền, bảo vệ dữ liệu cá nhân và giám sát các rủi ro do trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra.

Các trường ngoài công lập ở Hà Nội được yêu cầu không thu phí giữ chỗ

Thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ngày 22/3 yêu cầu các cơ sở giáo dục ngoài công lập không thu tiền giữ chỗ. Sở sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.

Bài viết nổi bật

VAA tham gia Triển lãm Khuôn mẫu và công cụ Đông Quản – Trung Quốc

Đoàn doanh nghiệp Việt Nam thuộc các lĩnh vực cơ khí, điện tử, hàn, tự động hóa gồm 21 thành viên đến từ các Hội, Hiêp hội như: Hội Tự động hóa Việt Nam, Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), Hội Khoa học kỹ thuật Hàn Việt Nam đã tham gia “Lễ hội mua sắm” máy công cụ, các trang thiết bị, linh kiện tại khu vực Greater Bay của triển lãm.

Hợp tác doanh nghiệp Việt – Đức thúc đẩy phát triển xanh TP. Hồ Chí Minh

Diễn đàn Tăng trưởng xanh Việt Nam - Đức với chủ đề “Hợp tác vì phát triển xanh Thành phố Hồ Chí Minh” là cơ hội để các Sở, ngành, lãnh đạo Thành phố lắng nghe những chia sẻ, bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế xanh của Đức

Circuit Design: từ thiết kế bảng mạch đến nhà cung cấp công nghệ không dây hàng đầu Nhật Bản

Circuit Design một thương hiệu công nghệ không dây hàng đầu của Nhật Bản phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp và dân dụng khác nhau. Với 50 năm xây dựng, hiện sản phẩm của họ đã có mặt ở hơn 30 quốc gia trên thế giới. Đằng sau thành công đó là câu chuyện khởi nghiệp đầy cảm hứng.