Trang chủTin hotMột mùa Robocon lỡ dở

Một mùa Robocon lỡ dở

Cho đến bây giờ, cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam (Robocon) – đã trở nên quen thuộc với người Việt Nam, đặc biệt là với giới sinh viên kỹ thuật. Tháng 2, tháng 3 hàng năm là khoảng thời gian sục sôi hoàn thiện robot của những đội tham gia thi Robocon trong các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành kỹ thuật. Năm nay cũng vậy, ngay từ khi có đề thi Robocon 2020, các đội đã bắt tay vào việc tuyển chọn thành viên và lên kế hoạch cho việc thiết kế cũng như nguyên vật liệu và chi phí để làm robot. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, các cuộc thi vòng loại của Robocon 2020 đều bị hủy, để lại bao tiếc nuối cho các bạn sinh viên.

Tại lễ bế mạc Cuộc thi Sáng tạo Robot Châu Á – Thái Bình Dương (ABU Robocon) 2019, chủ đề luật thi của ABU Robocon 2020 đã được công bố sẽ diễn ra tại Suva, Fiji vào ngày 23/8. Chủ đề cuộc thi là “Robo Rugby 7s”, lấy ý tưởng từ môn bóng bầu dục. Đây là môn thể thao quốc gia của Fiji, đã có mặt tại các đảo của khu vực Thái Bình Dương từ những năm 1880 và thay đổi đời sống của những người dân đảo từ đó.

Chủ đề luật thi của ABU Robocon 2020: Mỗi trận đấu của ABU Robocon 2020 sẽ diễn ra giữa hai đội, bao gồm: đội đỏ và đội xanh. Mỗi đội chơi sẽ điều khiển 2 robot gồm: Pass Robot (PR) và Try Robot (TR). Mỗi robot có thể là robot tự động hoặc robot điều khiển bằng tay. Mỗi đội sẽ có 2 loại bóng để sử dụng gồm Try Ball và Kick Ball và thi đấu bóng với nhau. Như vậy, ABU Robocon 2020 sẽ không có chiến thắng tuyệt đối và kết quả trận đấu được phân định bằng chính số điểm mà mỗi đội ghi được.

Háo hức cho một đề thi mới

alt

Sinh viên cùng trao đổi và làm robot tại phòng điều hành Trường đại học Lạc Hồng (Ảnh: Fanpage Robocon Việt Nam)

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN) năm nay dự kiến sẽ có 3 đội thi, Phạm Lê Việt Anh – SV năm thứ năm, khoa Cơ điện tử, trường ĐHBKHN, đội trưởng nhóm BK GALAXY cho biết: Đội bắt đầu chuẩn bị cho cuộc thi Robocon từ tháng 10/2019 từ khi có đề thi. Đề thi năm nay dễ hơn so với năm ngoái và hiện tại đội đã hoàn thành khoảng 80% cả 2 con robot. Thành viên trong đội cả chính và phụ có đến 20 người và hầu hết là những người mới tham gia lần đầu nên chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, với sự đam mê yêu thích với robot, mọi khó khăn vướng mắc cả đội đều cùng nhau chia sẻ và cùng giải quyết nên tiến độ đến nay được coi là ổn định để thi đấu.

Năm nay, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên (ĐHSPKTHY) thành lập 6 đội tham gia thi đấu. “Từ sau khi có chủ đề cuộc thi, trường ĐHSPKTHY đã phát động cuộc thi để sinh viên sớm bắt tay vào việc nghĩ ý tưởng và tuyển thành viên cho đội thi. Đến nay công tác chuẩn bị cho cuộc thi đã hoàn thành đến 80% theo kế hoạch của ban chỉ đạo”, Đàm Văn Hướng – sinh viên Khóa 14 – chuyên ngành Cơ điện tử, đội trưởng đội SKH3 cho biết.

Đàm Văn Hướng cho rằng với đề thi năm nay, robot không phức tạp như năm trước nhưng yêu cầu độ chính xác cao. Những thành viên trong đội đa số là sinh viên năm cuối và được tuyển chọn vào nên có lực lượng thi công robot chất lượng cùng với sự hướng dẫn của các thầy chỉ đạo viên dày dặn kinh nghiệm và sự hỗ trợ từ một số anh chị tham gia robot các mùa trước nên chất lượng các đội thi năm nay khá an toàn.

“Đề thi Robocon 2020 hứa hẹn rất nhiều trận đấu kịch tính. So với năm ngoái, Robocon năm nay có cơ cấu robot dễ thực hiện hơn, 2 robot đều đi bằng bánh và đều có thể điều khiển bằng tay hoặc tự động”, Trần Văn Ngọc – sinh viên K57, chuyên ngành Tự động hóa, khoa Điện – Điện tử, trường Đại học Giao thông Vân tải (ĐHGTVT), đội trưởng đội UTC ĐKH 01 chia sẻ.

Trần Văn Ngọc cho biết thêm: Ngay từ đầu tháng 11/2019, chúng mình đã tiến hành tập hợp các bạn sinh viên có đam mê với robot trong trường như sinh viên ngành: Tự động hóa, Kỹ thuật điện, Trang thiết bị điện,… thành lập các đội thi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, đội phải tạm nghỉ trong cuối tháng 01 và đầu tháng 2. Đến thời điểm hiện tại, robot của đội đã hoàn thành đến 90%.

Về công tác chuẩn bị cho Robocon 2020, Thầy Khổng Minh – hướng dẫn đội thi Robocon, trường Đại học Phenikaa cho biết: Dự kiến năm nay trường đại học Phenikaa sẽ có 3 đội tham gia Robocon, thành viên trong đội đều là sinh viên năm nhất và đến từ hầu hết các khoa kỹ thuật trong trường. Với đề thi tương đối phức tạp như năm nay, đội tập trung nhiều vào phần lập trình để giúp robot có khả năng đáp ứng được các tình huống ngẫu nhiên xảy ra trên sân thi đấu. Đồng thời với sự quan tâm của nhà trường, đội cũng trang bị những thiết bị cảm biến hiện đại để làm “giác quan” cho robot, nhằm từng bước tự động hóa từng phần cho robot. Tuy đến từ nhiều đơn vị khác nhau, kiến thức, kỹ năng chưa có nhiều nhưng với thái độ ham học hỏi, được rèn luyện một cách nghiêm túc, kỷ luật cũng sẽ hứa hẹn các bạn có thể tham gia tốt của mùa giải năm nay.

Sáng tạo robot trong mùa dịch

alt

ĐHSPKTHY tích cực nghiên cứu robot và ý thức phòng chống dịch bệnh (Ảnh: Fanpage Robocon Việt Nam)

Năm nay, có một điều bất lợi đối với sinh viên tham gia Robocon là tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán – Trung Quốc và đến đầu năm 2020 Việt Nam đã ghi nhận tối đa đến 16 ca mắc khiến sinh viên phải nghỉ học trong một thời gian dài sau Tết nguyên đán.

Tuy nhiên, sự đam mê nung nấu, bản lĩnh tinh thần thi đấu trỗi dậy luôn đốc thúc những con người đam mê với Robocon tiếp tục cuộc hành trình sáng tạo, khắc phục dịch bệnh đang diễn ra và đảm bảo cho robot được hoàn thiện đúng thời gian thi đấu.

Đối với quan điểm của một số người, dịch bệnh vừa bất lợi nhưng cũng có lợi ở chỗ là giúp các bạn có thêm nhiều thời gian chỉ để tập trung nghiên cứu robot. Phạm Lê Việt Anh chia sẻ: Chương trình học của Bách khoa tương đối dày, nếu không biết cách phân bố thời gian thì rất khó để có thể nghiên cứu robot. Nhưng trong thời gian nghỉ dịch này chính là thời điểm tốt nhất để đội dồn hết tâm trí sáng tạo robot. Tất nhiên là trong thời điểm này nhóm cũng tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định như đeo khẩu trang khi làm việc, sát khuẩn tay sau khi tiếp xúc,… để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho cả đội.

Đàm Văn Hướng cũng cho biết: Ban lãnh đạo trường ĐHSPKTHY và ban chỉ đạo Robocon đã có kế hoạch phòng chống bệnh rất nghiêm ngặt cho sinh viên tham gia Robocon. Tập trung làm việc tại trường, hạn chế đi lại nơi đông người và đặc biệt các sinh viên quê ở Vĩnh Phúc không được về quê trong thời gian làm việc này. Bên cạnh đó nhà trường đã tổ chức phun thuốc sát trùng quanh khu vực làm việc, phát khẩu trang cho sinh viên ra làm việc tại sân robot.

“Trong thời điểm có những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đội Robocon của trường Phenikaa phần nhiều là làm việc trực tuyến, từ việc học lập trình, học thiết kế cơ khí, làm bài tập, duyệt các bản vẽ,… cũng đều thực hiện thông qua internet. Vì là làm việc kỹ thuật, sinh viên kỹ thuật nên việc sử dụng internet cũng không gặp nhiều khó khăn. Chỉ khi hoàn thành các thiết kế thì nhóm mới tập trung gia công chế tạo, xây dựng phương pháp làm việc chuyên môn hóa cho các cá nhân phụ trách những đầu việc cụ thể”, thầy Khổng Minh cho biết.

Những nỗ lực của sinh viên thực sự đáng ghi nhận, nhưng do tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, nên cuối tháng 02/2020 VTV có thông báo chính thức về việc dừng tổ chức cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam 2020. Theo đó, để tránh tụ tập đông người, Ban tổ chức cuộc thi quyết định không tổ chức vòng loại toàn quốc và vòng chung kết Cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam năm 2020. Đài Truyền hình Việt Nam sẽ dựa trên thành tích thi của các đội/trường trong các năm để xây dựng tiêu chí chỉ định 01 đội của 01 trường đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi quốc tế ABU Robocon, dự kiến tổ chức vào tháng 8/2020 tại FIJI.

alt

Mặc dù có quyết định hủy cuộc thi Robocon 2020, nhưng tại trường ĐHSPKTHY các đội thi vẫn thử sân với robot để cọ xát (Ảnh: Đàm Văn Hướng)

Ngay sau khi có quyết định của Ban tổ chức, sự nuối tiếc chính là tâm trạng của các đội Robocon, bao nhiêu nỗ lực, cố gắng, kinh phí đều như bị bỏ ngỏ. Dưới góc độ là những người đam mê Robocon, nhiều bình luận đã được nổi lên khi có quyết định của Ban tổ chức: “Đam mê của bao người chơi, thao thức ngày đêm luyện tập để mong chờ một kì thi có kết quả tốt nhất. Thi đấu có thể không có khán giả quan trọng là được thể hiện thành quả của mọi người sau quãng thời gian luyện tập vừa qua, và được giao lưu cùng các đội đến từ các trường trên cả nước”, một sinh viên trường ĐHSPKTHY chia sẻ.

Xét theo góc độ là người trực tiếp làm robot, Đàm Văn Hướng cho biết: Trên quan điểm là một sinh viên và một thí sinh tham gia Robocon thì sẽ không đồng tình với quyết định này vì tất cả đã chuẩn bị xong, chỉ đợi ngày thi mà VTV hủy không tổ chức, bao công sức và kinh phí bỏ ra cho cuộc thi này sẽ mất hết. Nhưng trên phương diện là một công dân thì tình hình dịch bệnh vẫn còn vậy VTV nên hủy tổ chức để tránh tụ tập, ngăn ngừa dịch bùng phát.

Cùng quan điểm trên, Trần Văn Ngọc chia sẻ: Sau khi có quyết định của Ban tổ chức về việc Robocon bị hủy do dịch Covid-19, cả đội đều tiếc nuối. Cá nhân mình cảm thấy hơi buồn vì những cống hiến, công sức và cả chi phí mà cả đội bỏ ra năm nay đều chưa được đền đáp, hơn nữa đây cũng là năm cuối cùng mình có thể tham gia Robocon. Mặc dù vậy, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, mình thấy quyết định này của Ban tổ chức là điều khó có thể làm khác được.

Và trước quyết định của VTV, tại trường Đại học Lạc Hồng, Ban phụ trách Robocon Lạc Hồng đã đưa ra hướng tổ chức các cuộc thi cọ xát robot và cuộc thi Robocon Lạc Hồng vòng loại phía Nam. Cuộc thi cọ xát sẽ diễn ra vào 9h00 ngày 22/03/2020 và cuộc thi Robocon Lạc Hồng vòng loại phía Nam sẽ diễn ra vào 9h00 ngày 05/04/2020. Sau cuộc thi Ban phụ trách sẽ chọn ra 4 đội mạnh nhất để tham dự Vòng chung kết cuối cùng vào tháng 5/2020.

Tình hình dịch bệnh là trường hợp bất khả kháng và không thể thay đổi, tuy nhiên, việc tìm kiếm đội Robocon đại diện Việt Nam tham dự ABU Robocon 2020 vẫn đang bỏ ngỏ. Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, Đại học Lạc Hồng sẽ là ứng cử viên sáng giá nhất. Thật buồn cho Robocon 2020, nhưng sân chơi vẫn luôn là niềm đam mê giúp liên kết, hòa nhập các ý tưởng sáng tạo với nhau để phục vụ cho mục đích sáng tạo công nghệ và niềm tin thì vẫn luôn vững vàng “Năm nay không được thi đấu thì năm sau mình chắc chắn sẽ được thi đấu”.

Có thể thấy, các bạn đến với robot bằng niềm say mê khám phá khoa học và khát khao khẳng định bản thân, đam mê đến mức thành “say” robot cũng không phải là hiếm. Dù là năm này qua năm khác, sẽ vẫn có những hình ảnh về xưởng robot ngổn ngang thiết bị, những câu chuyện về sinh viên ngủ ngay trên bàn lập trình,… không phải vì một chiến thắng có tên mà để sinh viên thử sức chính mình, để được thỏa mãn lòng đam mê sáng tạo.

TĐHNN số tháng 3/2020

Theo dõi fanpage chúng tôi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài viết cùng chủ đề

VAA tham gia Triển lãm Khuôn mẫu và công cụ Đông Quản – Trung Quốc

Đoàn doanh nghiệp Việt Nam thuộc các lĩnh vực cơ khí, điện tử, hàn, tự động hóa gồm 21 thành viên đến từ các Hội, Hiêp hội như: Hội Tự động hóa Việt Nam, Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), Hội Khoa học kỹ thuật Hàn Việt Nam đã tham gia “Lễ hội mua sắm” máy công cụ, các trang thiết bị, linh kiện tại khu vực Greater Bay của triển lãm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thanh niên cần thực hiện 5 xung kích, 6 khát vọng trong chuyển đổi số

Thủ tướng cũng chỉ rõ, thanh niên phải là lực lượng xung kích, giương cao ngọn cờ tiên phong, tình nguyện đi đầu, làm chủ công cuộc chuyển đổi số và phát triển Việt Nam sớm trở thành Quốc gia số, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Đoàn Thanh niên cùng toàn thể thanh niên Việt Nam phát huy tinh thần "5 xung kích" trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số Quốc gia.

Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết về AI để bảo vệ nhân quyền

Ngày 21/3, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết về bảo vệ nhân quyền, bảo vệ dữ liệu cá nhân và giám sát các rủi ro do trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra.

Các trường ngoài công lập ở Hà Nội được yêu cầu không thu phí giữ chỗ

Thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ngày 22/3 yêu cầu các cơ sở giáo dục ngoài công lập không thu tiền giữ chỗ. Sở sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.

Động lực cho sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp

Được sự hỗ trợ của Trung ương, và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong năm 2023, Thành phố đã bình tĩnh đối phó với các cơn gió ngược, tìm ra các điểm nghẽn, đề ra các giải pháp phù hợp, tập trung giải quyết các công tác liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố.

Bài viết nổi bật

VAA tham gia Triển lãm Khuôn mẫu và công cụ Đông Quản – Trung Quốc

Đoàn doanh nghiệp Việt Nam thuộc các lĩnh vực cơ khí, điện tử, hàn, tự động hóa gồm 21 thành viên đến từ các Hội, Hiêp hội như: Hội Tự động hóa Việt Nam, Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), Hội Khoa học kỹ thuật Hàn Việt Nam đã tham gia “Lễ hội mua sắm” máy công cụ, các trang thiết bị, linh kiện tại khu vực Greater Bay của triển lãm.

Circuit Design: từ thiết kế bảng mạch đến nhà cung cấp công nghệ không dây hàng đầu Nhật Bản

Circuit Design một thương hiệu công nghệ không dây hàng đầu của Nhật Bản phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp và dân dụng khác nhau. Với 50 năm xây dựng, hiện sản phẩm của họ đã có mặt ở hơn 30 quốc gia trên thế giới. Đằng sau thành công đó là câu chuyện khởi nghiệp đầy cảm hứng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thanh niên cần thực hiện 5 xung kích, 6 khát vọng trong chuyển đổi số

Thủ tướng cũng chỉ rõ, thanh niên phải là lực lượng xung kích, giương cao ngọn cờ tiên phong, tình nguyện đi đầu, làm chủ công cuộc chuyển đổi số và phát triển Việt Nam sớm trở thành Quốc gia số, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Đoàn Thanh niên cùng toàn thể thanh niên Việt Nam phát huy tinh thần "5 xung kích" trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số Quốc gia.