Trang chủGiáo dụcKhởi nghiệpLan tỏa khoa học kỹ thuật từ Dự án Hành trang kỹ...

Lan tỏa khoa học kỹ thuật từ Dự án Hành trang kỹ sư 4.0

Với phương châm học thật – làm thật, Dự án “Hành trang kỹ sư 4.0” với sự kết hợp của Câu lạc bộ BK STAR, Câu lạc bộ Dev IoT và Phòng thí nghiệm ADC Lab (thuộc bộ môn Cơ điện tử, Viện Cơ khí, trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đã được triển khai. Ba tổ chức cùng kết hợp, tạo nên một Fanpage chung mang tên “Cộng đồng kỹ sư 4.0”. Và hành trang kỹ sư 4.0 là một trong những hoạt động đầu tiên nằm trong chuỗi các dự án của cộng đồng kỹ sư 4.0 này.

Buổi đào tạo đầu tiên tại Phòng thí nghiệm ADC Lab – trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Minh Huy

Xuất phát từ thực trạng chung mà các bạn sinh viên đang gặp phải hiện nay, 3 thủ lĩnh thuộc 3 câu lạc bộ đều nhận thấy rằng, rất nhiều sinh viên chuyên ngành kỹ thuật học đến năm thứ ba, năm thứ tư nhưng vẫn chưa có đủ kiến thức, những kỹ năng chuyên ngành cần thiết để khi ra trường làm được việc. Từ vấn đề bất cập này, ba tổ chức đã liên kết lại với nhau và xây dựng nên dự án cộng đồng kỹ sư 4.0.

“Mục đích của Fanpage là tạo môi trường cho tất cả mọi người có thể tham gia, cùng trao đổi những kiến thức liên quan đến khoa học kỹ thuật như thiết kế cơ khí, lập trình nhúng, lập trình IoT, xử lý ảnh, robot,… Hơn nữa, đội ngũ giảng dạy đều là những người có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm kể cả trong lĩnh vực giảng dạy và trong lĩnh vực làm ra những sản phẩm thật”, Nguyễn Minh Huy – Chủ nhiệm Câu lạc bộ BK STAR cho biết.

Khi bắt đầu dự án, mục đích của ban tổ chức là chia sẻ kiến thức, kỹ năng trong khuôn khổ sinh viên trường Bách khoa. Tuy nhiên, một điều bất ngờ, khi dự án được đăng tải ban tổ chức đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của sinh viên các trường kỹ thuật khác nhau. Do đó, ban tổ chức đã quyết định mở rộng hoạt động để tất cả sinh viên các trường khác nhau quan tâm đăng ký tham gia dự án này.

Dự án hành trang kỹ sư chính thức chạy từ giữa tháng 10, ngay khi bắt đầu mở đơn đăng ký cho lớp học đầu tiên, số lượng đăng ký là 260 bộ hồ sơ và ban tổ chức đã phải chọn lọc ra 25 bộ xuất sắc nhất tham gia khóa học đầu tiên. Khóa học hoàn toàn miễn phí, bắt đầu từ 19h đến 21h vào thứ hai và thứ 6 hàng tuần.

25 sinh viên trong khóa học đầu đến từ trường Bách khoa, Điện lực, Giao thông vận tải, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự,… đã được ban tổ chức chọn lọc rất cẩn thận, tỉ mỉ bởi các bạn sẽ trở thành lực lượng nòng cốt, tiếp thêm nhân lực đào tạo cho các bạn khóa sau.

Buổi phát quà và chia sẻ kiến thức về KHKT với các thầy cô, các bạn học sinh trường THCS Kẻ Sặt – Hải Dương. Ảnh: Nguyễn Minh Huy

Chia sẻ sau một tháng tham gia khóa học, Đàm Quốc Khánh – sinh viên K63, Cơ điện tử, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Trong một tháng học lớp hành trang kỹ sư 4.0, mình được học các kiến thức như điện tử cơ bản, cách mắc mạch, hiểu về linh kiện điện tử,… Đây đều là những kiến thức, kinh nghiệm thực tế mà các anh đi trước có được truyền đạt lại. Hơn nữa, các kiến thức còn có thể áp dụng được trong môn học ở trường của mình và mình rất tự tin sau khóa học này sẽ tham gia chỉ dạy được những bạn khác”.

“Mình biết được rằng ngành mình học sử dụng rất nhiều kiến thức liên quan đến mảng IoT, sẽ phục vụ cho công việc của mình sau này. Nhưng khi học ở trường mình không được thực hành nhiều, thậm chí có những buổi thực hành không đáp ứng được nhu cầu vận dụng kiến thức của mình. Sau một tháng học lớp hành trang kỹ sư 4.0 đã giúp cho mình: thứ nhất, hiểu được nguyên lý vận hành của 01 mạch vi điều khiển; thứ hai, hiểu được cách tạo ra 01 hệ thống tự động hóa”, Trần Xuân Phong – D13, khoa Kỹ thuật điện, Chuyên ngành Tự động hóa hệ thống điện, trường Đại học Điện lực chia sẻ.

Cũng được tham gia vào khóa học đầu tiên, Hoàng Vĩnh Quang – Khoa Điện tử viễn thông, khóa ĐT1, Học viện Kỹ thuật mật mã cho biết: Dự án này rất bổ ích, phù hợp cho các bạn sinh viên. Tham gia vào khóa học này đã bù đắp cho mình những kiến thức bị hổng khi học trên trường không chú ý và ở đây các anh chỉ dẫn những kiến thức thực tế hơn. Ngoài những kiến thức học được ra, mình được học hỏi kỹ năng của các bạn trường khác.

Để sinh viên được thực hành trên thiết bị thực, tất cả dụng cụ học tập, linh kiện điện tử đều được bảo trợ chính thức từ Công ty Linh kiện điện tử TUHU.

Chia sẻ về mục tiêu phát triển sắp tới của dự án, Nguyễn Minh Huy cho biết: Hiện tại, học viên đang được đào tạo dưới hình thức trực tiếp và vì số lượng học viên đăng ký tham gia khóa học rất đông, nên ban tổ chức dự kiến lên kế hoạch đào tạo trực tuyến trong thời gian tới. Thêm vào đó, ban tổ chức sẽ liên kết với trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng mở một câu lạc bộ liên quan đến STEM, IoT và AI ở trong trường và mô hình đào tạo này sẽ có cả trực tiếp và trực tuyến.

Không chỉ vậy, theo chia sẻ của cộng đồng kỹ sư 4.0, họ còn có dự định sẽ mở  tiếp một dự án khác để lan tỏa các kiến thức về khoa học kỹ thuật cho các bạn học sinh các cấp từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông tại khu vực Hà Nội trước. Bởi hiện nay, STEM đã trở thành môn rất quan trọng trong chương trình học, học sinh càng được trang bị sớm kiến thức càng tốt.

Trước đó, để truyền cảm hứng cho các bạn học sinh về khoa học kỹ thuật, ban tổ chức đã đến khoảng 20 trường trung học phổ thông tại khu vực Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên, Bắc Ninh, TP. Hà Nội,… để cùng trò chuyện, chia sẻ với học sinh về những cái hay của khoa học kỹ thuật, học sinh đều hứng thú và đón nhận rất nhiệt tình. Ban tổ chức rất vui khi kế hoạch chưa chính thức thực hiện nhưng đã nhận được sự quan tâm đến từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Tổ chức Liên Hợp Quốc (UNDP). Họ rất quan tâm và sẵn sàng kết hợp cùng dự án để cấp chứng chỉ cho các bạn học sinh sau khi tham gia dự án này.

Có thể thấy, cộng đồng kỹ sư 4.0 là một dự án đầy ý nghĩa, giúp những ai đam mê nghiên cứu khoa học được trau dồi các kiến thức nền tảng về lĩnh vực này. Hành trang kỹ sư là dự án đầu tiên của cộng đồng kỹ sư 4.0 đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều học sinh, sinh viên. Hi vọng rằng, sau hành trang kỹ sư 4.0, ban tổ chức sẽ tiếp tục tạo nên những dự án ý nghĩa khác để khoa học kỹ thuật có thể lan tỏa khắp mọi miền tổ quốc.

Thu Trang

Theo dõi fanpage chúng tôi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài viết cùng chủ đề

Circuit Design: từ thiết kế bảng mạch đến nhà cung cấp công nghệ không dây hàng đầu Nhật Bản

Circuit Design một thương hiệu công nghệ không dây hàng đầu của Nhật Bản phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp và dân dụng khác nhau. Với 50 năm xây dựng, hiện sản phẩm của họ đã có mặt ở hơn 30 quốc gia trên thế giới. Đằng sau thành công đó là câu chuyện khởi nghiệp đầy cảm hứng.

IgusGO tối ưu hóa quy trình chuyển đổi Công nghiệp 4.0

Ứng dụng igusGO dựa trên AI chỉ mất vài giây để tiết lộ cách một ứng dụng có thể được tối ưu hóa về mặt kỹ thuật với các linh kiện không bôi trơn từ igus®️. Để làm điều này, các nhà thiết kế không cần phải xem qua các danh mục, gọi điện thoại hoặc viết e-mail, mà chỉ cần chụp ảnh ứng dụng của họ.

Nvidia ra mắt chip mới có năng lực xử lý AI đạt 20 triệu tỷ phép tính mỗi giây

Thế hệ chip AI mới nhất của Nvidia mang tên Blackwell sẽ có giá từ 30.000 USD đến 40.000 USD một đơn vị

DAT Group Techtalk 2024: Cập nhật thêm nhiều nội dung giá trị cho sinh viên

DAT tổ chức hội thảo “DAT Group TechTalk 2024” nhằm hỗ trợ xây dựng nền tảng kiến thức, kỹ năng vững chắc để sinh viên ngành Tự động hóa sẵn sàng đáp ứng những thách thức của một thế giới không ngừng dịch chuyển.

Khích lệ thanh niên khởi nghiệp sáng tạo 2024

Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cần được ươm tạo, nuôi dưỡng và phát triển trong một hệ sinh thái thuận lợi.

Bài viết nổi bật

VAA tham gia Triển lãm Khuôn mẫu và công cụ Đông Quản – Trung Quốc

Đoàn doanh nghiệp Việt Nam thuộc các lĩnh vực cơ khí, điện tử, hàn, tự động hóa gồm 21 thành viên đến từ các Hội, Hiêp hội như: Hội Tự động hóa Việt Nam, Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), Hội Khoa học kỹ thuật Hàn Việt Nam đã tham gia “Lễ hội mua sắm” máy công cụ, các trang thiết bị, linh kiện tại khu vực Greater Bay của triển lãm.

Circuit Design: từ thiết kế bảng mạch đến nhà cung cấp công nghệ không dây hàng đầu Nhật Bản

Circuit Design một thương hiệu công nghệ không dây hàng đầu của Nhật Bản phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp và dân dụng khác nhau. Với 50 năm xây dựng, hiện sản phẩm của họ đã có mặt ở hơn 30 quốc gia trên thế giới. Đằng sau thành công đó là câu chuyện khởi nghiệp đầy cảm hứng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thanh niên cần thực hiện 5 xung kích, 6 khát vọng trong chuyển đổi số

Thủ tướng cũng chỉ rõ, thanh niên phải là lực lượng xung kích, giương cao ngọn cờ tiên phong, tình nguyện đi đầu, làm chủ công cuộc chuyển đổi số và phát triển Việt Nam sớm trở thành Quốc gia số, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Đoàn Thanh niên cùng toàn thể thanh niên Việt Nam phát huy tinh thần "5 xung kích" trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số Quốc gia.