Duyên nợ với điện gió của người viết bài này bắt đầu từ một dự án do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ thực hiện tại Áo năm 1996 sử dụng máy phát không đồng bộ ngưồn kép (Doubly-fed Induction Generator, DFIG) với công suất 620kVA. Khi ấy, tác giả nhận nhiệm vụ phát triển phương pháp điều khiển, mô phỏng kiểm chứng và hướng dẫn cài đặt, tất cả được thực hiện trực tiếp ngay trên thiết bị thực tại xưởng thí nghiệm. Từ lúc bắt đầu cho đến khi thử nghiệm dài hạn thành công, quá trình chỉ kéo dài ba tháng. Các kết quả nghiên cứu – phát triển (mang tính tiên phong ở thời điểm đó) là nội dung của công bố KH đầu tiên của tác giả về điều khiển DFIG năm 1997 tại NXB Springer.
Về nước năm 1999, nhân duyên đó được tiếp tục hòa cùng khao khát “PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG SẠCH – NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO” của các nhà KH Việt Nam thuộc mọi lĩnh vực Tài nguyên – Môi trường, Năng lượng, Điều khiển – Tự động hóa,… luôn mong ước và mơ về một đất nước xanh – sạch đẹp nhưng vẫn đủ năng lượng để cung cấp cho các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân. Trong gần 20 năm, cục diện đã thay đổi kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ lần đầu ban hành “Quyết định về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam” số 37/2011/QĐ-TTg vào cuối tháng 6/2011 và tiếp theo là nhiều chính sách nhằm khích lệ phát triển ngành năng lượng quan trọng này. Chúng ta đã chứng kiến sự ra đời của rất nhiều dự án điện gió, trước hết là ở các tỉnh phía Nam của đất nước.
Vậy điều gì đã khiến tác giả băn khoăn và dẫn tới bài viết này? Trong bài phỏng vấn của “Năng lượng mới”, tạp chí của Hội Dầu khí Việt Nam, số 6, ngày 12/5/2020 [1], khi trả lời câu hỏi về “… những thách thức lớn nhất để phát triển điện gió ở Việt Nam …” tác giả đã nêu ba thách thức: Thứ nhất là con người, thứ hai là môi trường và thứ ba là tiêu chuẩn kỹ thuật. Theo chủ quan của người viết, đây là ba thách thức chưa được đối diện đầy đủ (gần như bị lãng quên) ở Việt Nam, tiềm ẩn nguy cơ chuyển thành họa, đe dọa sự phát triển bền vững của điện gió nước ta. Làm rõ ba thách thức ấy chính là động cơ của bài viết này. Tuy nhiên, trước khi đi sâu phân tích chúng ta hãy điểm lại những nét chính về lợi thế tiềm năng.
A. TIỀM NĂNG ĐIỆN GIÓ CỦA VIỆT NAM
Các bài viết trước đây của tác giả (xem [2, 3]) đã làm rõ về tiềm năng khai thác điện năng từ sức gió của Việt Nam, bài này phân biệt rõ hơn giữa tiềm năng trên đất liền (onshore) và ngoài khơi (offshore) thông qua vài trích dẫn.
Tiềm năng gió trên đất liền
Để hình dung về tiềm năng trên đất liền ta hãy quan sát bảng 1 (trích tài liệu của World Bank [4].Theo đó, Việt Nam giữ vị trí dẫn đầu 4 nước khu vực Đông Nam Á về mọi tiêu chí. Đặc biệt, khoảng 0,7% diện tích nước ta ở mức gió 8-9 m/s có thể khai thác được tới 8748MW (gấp hơn 4,5 lần thủy điện Sông Đà 8 turbines ´ 240 MW = 1920 MW và hơn 3,5 lần so với thủy điện Sơn La 6 turbines ´ 400 MW = 2400 MW); 7,9% ở mức 7-8 m/s cho phép khai thác tới 102716 MW.
Bảng 1: Tiềm năng khai thác năng lượng từ gió ở độ cao 65m của 4 nước Đông Nam Á (trích [4])
Tiềm năng gió ở độ cao 65 m của 4 nước | ||||||
Phân loại mức gió | ||||||
Nước | Mức gió | Yếu (< 6m/s) | Vừa phải (6-7m/s) | Tốt (7-8 m/s) | Rất tốt (8-9m/s) | Đặc biệt tốt (>9 m/s) |
Căm Pu Chia | Diện tích có thể khai thác (Km2)
% diện tích quốc gia MW tiềm năng |
175468
96.4% NA |
6155
3.4% 24620 |
315
0.2% 1260 |
30
0.0% 120 |
0
0.0% 0 |
Lào | Diện tích có thể khai thác (Km2)
% diện tích quốc gia MW tiềm năng |
184511
80.2% NA |
38787
16.9% 155148 |
6070
2.6% 24280 |
671
0.3% 2684 |
35
0.0% 140 |
Thái Lan | Diện tích có thể khai thác (Km2)
% diện tích quốc gia MW tiềm năng |
477157
92.6% NA |
37337
7.2% 149348 |
748
0.2% 2992 |
13
0.0% 52 |
0
0.0% 0 |
Việt Nam | Diện tích có thể khai thác (Km2)
% diện tích quốc gia MW tiềm năng |
197342
60.6% NA |
100361
30.8% 401444 |
25679
7.9% 102716 |
2187
0.7% 8748 |
113
0.0% 452 |
Tuy nhiên, nếu quan sát bản đồ phân bố gió tại hình 1 (cũng trích tài liệu [4]), ta sẽ có cảm nhận rõ hơn sự phụ thuộc theo mùa khiến ta phải thận trọng trong bài toán quy hoạch khi khai thác. Nguy cơ hiện hữu mà bản đồ cho thấy là sẽ có những “ngày – tháng – quý” lặng gió trong năm, khiến lượng điện năng khai thác của thời gian đó sẽ tiệm cận về không.
Hình 1: Bản đồ phân bố hiệu suất gió trên đất liền theo mùa của Việt Nam (trích [4])
Tiềm năng gió ngoài khơi
Theo bài “Cơ hội phát triển điện gió ngoài khơi” (xem [7]), báo điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ra ngày 06/08/2020, với hơn 3.000 km bờ biển Việt Nam thuộc nhóm nước có tiềm năng ngoài khơi lớn nhất Đông Nam Á và là thị trường triển vọng nhất cho điện gió ngoài khơi. Những số liệu sơ bộ cho thấy, tiềm năng ngoài khơi của Việt Nam là 160 GW. Một con số khổng lồ nếu so sánh với 29,1 GW điện gió ngoài khơi hiện đã được lắp đặt trên toàn cầu.
Nguồn tiềm năng này hiện đang thu hút mối quan tâm từ các nhà đầu tư quốc tế. Gần đây, tại Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020, Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) đã ký biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Bình Thuận về phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, với tổng công suất dự kiến lên đến 3,5 GW. Đây sẽ là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam.
Chính sách phát triển điện gió của Đảng và Nhà nước
Tương xứng với tiềm năng, Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng đã có những quyết sách lớn để khai thác. Theo [7], phát triển điện gió, trong đó có điện gió ngoài khơi đang là một trong những hướng đi trọng tâm để thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020, định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị, nhằm đạt mục tiêu 1/5 tổng cung năng lượng quốc gia đến từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Nghị quyết khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân, nhưng theo nhiều doanh nghiệp đầu tư điện gió tại Việt Nam, so với quy mô đầu tư, điện gió ngoài khơi cần vốn đầu tư gấp 4 lần dự án điện gió trên bờ. Trong khi đó, hiệu quả đầu tư lại phụ thuộc vào hiệu suất gió qua các mùa. Điều kiện thi công trên biển không hề dễ dàng, thậm chí rủi ro lớn nếu gặp thời tiết bất lợi. Chính vì vậy, rất cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù để phát triển điện gió ngoài khơi. Được biết, Bộ Công Thương hiện đang xây dựng Báo cáo đầu vào cho lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi và thảo luận những bước đi của Chính phủ Việt Nam để hiện thực hóa quá trình này, nhằm bổ sung thêm nguồn năng lượng sạch để đưa vào Quy hoạch phát triển điện quốc gia trong 10 năm tới (Tổng sơ đồ điện 8). Ngoài ra, theo [8] đầu năm 2020 Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung gần 250 dự án điện gió trên đất liền với tổng công suất xấp xỉ 45.000 MW vào quy hoạch phát triển điện lực cả nước.
Vậy là cả về tiềm năng lẫn chính sách đều vô cùng thuận lợi, còn các thách thức đối với sự khai thác bền vững nguồn năng lượng tái tạo này? Theo tác giả, để phát triển bền vững tại Việt Nam phải giải quyết được 3 thách thức lớn:
- Thứ nhất là môi trường: Điện gió tăng trưởng nhanh kèm theo thách thức lớn về môi trường. Vòng đời của hệ thống turbine gió chỉ khoảng 20 năm, tương đối ngắn. Sau 20 năm là đến thời gian phải đổi mới kỹ thuật (Reengineering), trong đó có việc thay thế và xử lý phế thải, tái chế cánh quạt turbine.
- Thứ hai là tiêu chuẩn kỹ thuật: Việt Nam còn thiếu tiêu chí “Grid Code” cho các turbine điện gió khi dự án muốn được phép hòa lưới điện quốc gia Việt Nam, nhằm bảo đảm ổn định, chống nguy cơ rã lưới.
- Thứ ba là con người: Đội ngũ kỹ sư (quản lý, vận hành, sửa chữa – bảo trì, nghiên cứu – phát triển) thiếu kiến thức chuyên sâu về hệ thống phát điện sức gió, kiến thức của họ được trang bị chủ yếu là hệ thống điện kinh điển. Đây là thách thức quan trọng nhất.
B. THÁCH THỨC VỀ MÔI TRƯỜNG
Theo bài “Vom Winde verweht (tạm dịch: Cuốn theo chiều gió)”, đăng trên tờ Fraunhofer Magazin 4/19 (CHLB Đức), được báo điện tử Baublatt (Thụy Sĩ) đưa lại với tên “Windräder-Recycling: Wohin mit ausgedienten Rotorblättern? (tạm dịch: Tái chế bánh xe gió: Đi đâu với các cánh quạt rotor hết thời?)”, một dự án KH của Viện Fraunhofer về Công nghệ hóa ICT dự báo: 30.000 turbines gió hiện có tại Đức, nhiều trong số đó đã dần đến thời kỳ đổi mới kỹ thuật. 2019 có 2000 cánh quạt rotor bị phế thải, 2024 sẽ là 15.000, trong ba năm tiếp theo con số này sẽ lên tới 72.000. Tuy nhiên, đi đâu – về đâu với những ‟con quái vật” dài tới 90 m và nặng tới 15 tấn? Với các thành phần bằng thép hoặc bê-tôn của hệ thống hiện đã có các phương pháp xử lý phế thải thân thiện với môi trường, khó là việc tái chế cánh quạt rotor.
Được dán chắc chắn và khó tách rời
Cánh quạt rotor không làm bằng thép. “Cánh quạt sẽ quá nặng và không cơ động. Hầu hết chúng được làm từ nhựa gia cố sợi thủy tinh và gỗ balsa được dán bằng keo epoxy hoặc keo polyester”, giám đốc dự án Peter Meinlschmidt từ Viện Fraunhofer về Nghiên cứu gỗ, Wilhelm-Klauditz-Institut WKI ở Braunschweig (CHLB Đức) cho biết. Kết nối keo cực kỳ chắc chắn. Nó phải như vậy – các cánh quạt đạt tốc độ đỉnh hơn 250 km một giờ và lực tác động là rất lớn. Tuy nhiên, đó chính là vấn đề đối với việc tái chế thuần túy: Các thành phần của vật liệu composite rất khó tách rời khỏi nhau.
Bãi phế thải cánh quạt rotor
Khó khăn trong tái chế đã làm xuất hiện một số bãi phế thải cánh quạt. Ví dụ ở gần Flensburg (CHLB Đức), nơi hàng ngàn cánh quạt đang chờ được loại bỏ hoặc chờ một vòng đời thứ hai ở nước ngoài. Các bãi phế liệu còn đóng vai trò là kho chứa phụ tùng thay thế trong trường hợp một bộ phận nào đó bị lỗi ở các dòng turbine cũ và cần được thay thế (hình 2).
Hình 2: Bãi phế liệu cánh quạt còn đóng vai trò là kho chứa phụ tùng thay thế (nguồn: https://www.roth-international.de/entsorgung/rotorblaetter-entsorgung/)
Tuy nhiên, năng lực bãi phế thải (của Đức) chỉ có hạn và gần như cạn kiệt. Nhưng vẫn có hy vọng làm chủ được cơn lũ cánh quạt sắp xảy ra: Meinlschmidt và nhóm của ông, các đồng nghiệp từ Viện Fraunhofer ICT và các đối tác trong ngành, đã phát triển một công nghệ tái chế mới. Nhờ đó, gỗ balsa có thể được thu hồi từ các cánh quạt và tái sử dụng, các cánh bị loại có thể được tháo dỡ ngay tại vị trí thải chúng.
Nước Đức thì như vậy, tại sao vấn đề này không hề được nhắc đến ở Việt Nam? Số cánh quạt thải ra sẽ đi đâu? Liệu có cơ hội tái chế ở Việt Nam, hay đã có quy hoạch bãi phế thải? Hy vọng bài viết này tìm được sự đồng thuận từ phía những người có trách nhiệm.
C. THÁCH THỨC VỀ TIÊU CHUẨN KẾT NỐI LƯỚI
Theo [6], các quy tắc kết nối lưới điện dành cho các hệ thống điện gió (bên cạnh các quy tắc kết nối lưới điện chung) đặc biệt hướng đến kết nối lưới điện của các trang trại điện gió lớn với lưới điện cao thế. Với dự báo phát triển năng lượng gió ở Việt Nam trên đây, các trang trại gió và turbine gió phải được yêu cầu đóng vai trò hỗ trợ lưới điện. Triết lý trước đây về kết nối lưới của turbine gió dựa trên giả định rằng trong trường hợp lưới điện bị gián đoạn, ví dụ: trong trường hợp điện áp giảm, có thể cắt các turbine gió trong thời gian rất ngắn ra khỏi lưới. Khi có sự sụt giảm điện áp ngắn hạn trên diện rộng, ví dụ: Nguyên nhân do đoản mạch trong mạng điện cao thế, triết lý này đây có thể khiến tất cả các turbine của trang trại gió ngừng hoạt động, trong trường hợp cực đoan có thể đóng cửa vài trăm – vài nghìn MW năng lượng gió trong thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, lưới điện của Việt Nam chỉ có thể đối phó với sự sụt giảm đột ngột công suất một cách hữu hạn. Trong trường hợp cực đoan, điều này sẽ dẫn đến việc cung cấp điện cho toàn bộ khu vực bị ngắt (rã lưới). Các quy tắc kết nối lưới điện thỏa mãn “grid code” chính là nhằm chống lại tình huống này.
Khả năng “ride through” được xác định bởi “grid code”
Khả năng bám (không cắt turbine ra khỏi lưới) khi lưới bị lỗi, đòi hỏi turbine gió phải có khả năng “ride through” (lướt sóng). Khả năng này được chuẩn hóa bởi khái niệm “grid code”, minh họa tại hình 3, thông qua ví dụ cụ thể của tập đoàn E.On Netz (CHLB Đức).
Có thể diễn đạt bằng lời như sau:
Biên độ điện áp lưới giảm đột ngột từ 100% xuống còn 15% định mức. Mức 15% duy trì khoảng 500ms (25 chu kỳ lưới), sau đó điện áp lưới phục hồi tăng ổn định trở lại 90% (cận dưới cho phép). Trong toàn bộ quá trình lỗi lưới 3000ms (150 chu kỳ lưới), turbine gió không được phép tự tách ra khỏi lưới. Turbine gió phải có khả năng được điều khiển sao cho điện áp đầu ra của nó bám theo chính xác điện áp lưới. Trong quá trình điều khiển này, việc phát công suất hữu công P là không cần thiết.
Ở các nước phát triển, việc đáp ứng grid code là điều kiện bắt buộc để được phép đấu nối vào lưới của các turbine gió. Lúc đầu, vấn đề này đã tạo ra những thách thức mới cho thiết kế điều khiển. Trong thời gian gần đây, vấn đề này cũng đã được NC rất sâu tại ĐH Bách khoa Hà Nội.
Hình 3: Khả năng “ride through” được định nghĩa bởi tiêu chuẩn “grid code” (trích [5, 6])
Khả năng “ride through” tại các dự án điện gió tại Việt Nam
Trước hết phải khẳng định: Việt Nam chưa ban hành tiêu chuẩn “grid code” của riêng mình, có nghĩa là, các turbine phát điện sức gió khi kết nối lưới tại Việt Nam chưa cần phải minh chứng có khả năng “ride through”.
Vì lý do giá thành hạ, các dự án điện gió tại Việt Nam đều sử dụng turbine với DFIG. Tuy nhiên, bài viết [5] đã chỉ rõ: Khác với máy phát nam châm vĩnh cửu PMG có bộ biến đổi nằm xen giữa máy phát và lưới (hình 4), rất khó để điều khiển DFIG tạo khả năng “ride through”. Vì vậy, không phải mọi hệ thống dùng DFIG trên thị trường đều có khả năng này.
Hình 4: Điều khiển DFIG sao cho hệ thống điện gió thỏa mãn grid code là khó hơn rất nhiều so với điều khiển máy phát nam châm vĩnh cửu PMG (trích [5])
Lẽ ra, Việt Nam phải ban hành “grid code” của riêng mình và đưa tiêu chí đáp ứng “grid code” vào điều kiện cấp phép kết nối lưới cho các turbine gió. Các quy tắc kết nối lưới điện cần được đưa ra trong sự hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất turbine gió, cơ quan kiểm nghiệm. Các nhà sản xuất turbine gió có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để đáp ứng các quy tắc. Vì các quy định có thể yêu cầu những thay đổi rất sâu rộng đối với hệ thống điều khiển turbine gió, nên các nhà sản xuất sẽ cần thêm sự đầu tư.
Việc ban hành các quy tắc kết nối lưới điện mới của Việt Nam có thể dựa trên kinh nghiệm và các quy định tương ứng ở nước ngoài, ví dụ: Theo [6], tập đoàn E.ON Netz (CHLB Đức) dựa vào Đan Mạch. Tại Đức, các quy tắc mới được áp dụng cho việc kết nối lưới điện trong lưới điện cao thế thuộc khu vực kiểm soát của E.ON Netz. Tuy nhiên, có thể thấy rằng các nhà mạng khác cũng đưa ra các quy định tương tự hoặc giống hệt nhau.
D. THÁCH THỨC VỀ CON NGƯỜI
Có thể tham khảo [3] để có một cái nhìn khái quát về các vấn đề kỹ thuật mà chúng ta cần phải làm chủ, đặc biệt tài liệu [5] cung cấp một tầm nhìn đầy đủ về các vấn đề điều khiển hệ thống điện gió, tại đây ta xét đến yếu tố con người: Liệu các kỹ sư, các chuyên gia của ta đã được chuẩn bị tốt để tiếp nhận (chưa nói đến NC-PT mới) công nghệ khai thác nguồn năng lượng sạch này. Sau đây là một vài nhận định về khả năng con người của ta.
Phía chủ đầu tư
Có thể hiểu: “chủ đầu tư là bên ra bài thầu cho dự án”, là bên phải tự biết mình muốn gì, cần gì. Chỉ khi ấy mới đưa ra được bài thầu đúng đắn và hợp lý. Tuy nhiên, có thể đưa ra vài nhận xét như sau:
- Cán bộ quy hoạch dự án thường là các chuyên gia về “Hệ thống điện”:
+ Là đội ngũ chuyên gia giỏi về phát và dẫn điện kinh điển, do đó họ thường vận dụng những kiến thức của hệ thống điện thông thường để xây dựng dự án điện gió, dẫn đến vài khiếm khuyết tiềm ẩn nguy cơ lâu dài.
+ Hệ thống điện gió sử dụng nhiều thiết bị điện tử công suất, việc hòa lưới điện truyền thống đòi hỏi phải chú ý đặc biệt.
+ Đối với các dự án không hòa lưới quốc gia (chủ yếu là hệ thống lai cục bộ trên hải đảo), lưới cục bộ có đặc điểm lưới mềm (soft grid) vì điện áp kém ổn định và đòi hỏi dự án phải quy hoạch đủ thành phần cần thiết để bảo đảm ổn định cho lưới. - Cán bộ quy hoạch dự án thường thiếu kiến thức về “Điều khiển tự động – Tự động hóa” nói chung và “Điều khiển hệ thống điện gió hòa lưới/không hòa lưới” nói riêng. Hệ thống điện gió là một đối tượng luôn được vận hành ở chế độ động, vì phía nguồn năng lượng sơ cấp (sức gió) luôn biến động. Ngược lại, các thành phần của hệ thống điện kinh điển thường được các chuyên gia coi là phần tử vận hành ở chế độ xác lập. Việc hiểu không sâu về phương pháp và cấu trúc ĐK nguồn phát khi xây dựng dự án là một thiếu sót có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.
- Cán bộ quy hoạch dự án thường sử dụng “đơn vị tư vấn là những đơn vị thiếu kiến thức và kinh nghiệm” đầy đủ về điện gió. Những đơn vị đáp ứng được yêu cầu về chức năng tư vấn dự án điện gió còn đang là của hiếm tại Việt Nam. Vì lẽ ấy, hiện tại các đơn vị được chọn làm tư vấn dự án đã chưa thể hoàn thành chức năng tư vấn, giúp chủ đầu tư hạn chế hay (thậm chí) loại trừ các rủi ro kỹ thuật có thể xảy ra.
Phía nhà thầu (tổng thầu EPC)
Các dự án phong điện thường có suất đầu tư lớn, vì vậy dễ hiểu được niềm vui của tổng thầu khi trúng thầu được một dự án như vậy. Tuy nhiên, có thể dùng ngay những nhận xét về “cán bộ quy hoạch dự án phía chủ đầu tư” trên đây để đánh giá năng lực chuyên môn của các cán bộ kỹ thuật phía tổng thầu. Điều này cũng không có gì lạ, vì đó là thực trạng của Việt Nam nói chung (xem [3]).
Ngoài ra có thể nhận xét thêm:
- Phía tổng thầu EPC mới chỉ làm tốt chuỗi công việc thiết kế bản vẽ thi công, cung ứng vật tư, thiết bị đến thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình và chạy thử bàn giao cho chủ đầu tư. Đây là những công việc mà người Việt Nam làm rất tốt, thậm chí có thể coi là thế mạnh.
- Khi thiết kế kỹ thuật, phía tổng thầu EPC chưa có “khả năng nhận biết các khiếm khuyết trong đề bài của chủ đầu tư”. Điều này:
+ Một mặt, tiềm ẩn nguy cơ gây khó khăn cho chính nhà thầu sau này, khi họ muốn nghiệm thu để bàn giao và kết thúc dự án.
+ Mặt khác, khiến họ không có khả năng “tư vấn ngược lại cho chủ đầu tư”, giúp chủ đầu tư khắc phục các khiếm khuyết về kỹ thuật của dự án, hạn chế khó khăn cho cả 2 bên sau này. Khả năng tư vấn ngược tuy không bắt buộc, song vì lợi ích quốc gia trong tương lai có lẽ nên đề xuất một quy định bắt buộc khả năng này. Theo đó, trách nhiệm giữa 2 bên trở nên rõ ràng minh bạch, hạn chế các cuộc tranh cãi vô ích.
Đào tạo chuyên gia – kỹ thuật viên
Các tài liệu [3, 5] đã phần nào cho thấy sự phong phú và phức tạp về kỹ thuật phát điện từ sức gió. Đối sánh chúng với chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo chuyên gia (các bậc đại học, sau đại học) trong nước ta có thể nhận xét:
- Đội ngũ kỹ thuật viên (công nhân) vận hành hệ thống hiện tại còn đang thiếu. Hệ thống điện gió là hệ thống có mức độ tự động hóa rất cao, ít đòi hỏi sự can thiệp thủ công của con người. Chính vì vậy, kỹ thuật viên vận hành chủ yếu cần nắm một số kiến thức cơ bản (không cần kiến thức chuyên sâu) và phải được huấn luyện kỹ về quy trình xử lý tình huống nhằm có khả năng ứng phó tại chỗ với mọi kịch bản có thể xảy ra.
- Tại hệ thống các trường cao đẳng – đại học trên lãnh thổ Việt Nam chưa hề có chương trình đào tạo chính quy nào, nhằm cung cấp chuyên gia (các bậc trình độ: Cử nhân, Kỹ sư, Thạc sĩ, Tiến sĩ) cho các lĩnh vực công việc “quản lý, vận hành, sửa chữa – bảo trì, xây dựng dự án, nghiên cứu – phát triển”. Có thể nhận định: Đáng buồn là các trường đại học chưa thực sự cho thấy khả năng giúp lấp chỗ trống này?
E. KẾT LUẬN
Tiếp nối các suy nghĩ đã diễn đạt trong bài trả lời phỏng vấn [1] về “Ba thách thức với điện gió Việt Nam”, bài viết này nhằm làm rõ hơn tại:
- Mục B “Thách thức về môi trường”, trước hết về xử lý số cánh quạt rotor bị phế thải sau này, khi chúng đã hết thời hạn phục vụ. Để giải quyết, không chỉ cần sự đầu tư vào NCKH nhằm tìm ra các phương pháp “xử lý – tái chế thân thiện với môi trường” mà còn cần tới các quy định nhằm ràng buộc trách nhiệm của các chủ đầu tư vào việc xử lý phế thải. Hơn thế nữa, thách thức này còn đòi hỏi phải quy hoạch hệ thống bãi phế thải cánh quạt.
- Mục C “Thách thức về tiêu chuẩn kết nối lưới” nhấn mạnh nguy cơ tiềm ẩn đe dọa sự ổn định của lưới điện quốc gia khi các turbine gió không bị bắt buộc phải minh chứng khả năng “ride through” (đáp ứng “grid code”). Cần phải NC kinh nghiệm của các nước tiên tiến để ban hành “grid code cho turbine gió” của Việt Nam, điều kiện để được cấp phép kết nối lưới.
- Mục D “Thách thức về con người” chỉ ra sự yếu và thiếu chuyên gia về hệ thống điện gió (phong điện), song hành với nhận định: hệ thống đào tạo hiện tại của nước ta chưa có khả năng giúp khắc phụ yếu điểm này.
Mặc dù có tiềm năng điện gió rất dồi dào (mục A) cả trên đất liền và ngoài khơi, đi kèm với chủ trương – chính sách khuyến khích khai thác của Đảng và Nhà nước, việc lãng quên (hoặc giải quyết nửa vời) ba thách thức trên như hiện tại sẽ đe dọa sự phát triển bền vững của điện gió tại Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Phùng Quang: “Ba thách thức với điện gió Việt Nam”. Phỏng vấn, Năng lượng mới, số 6, 12/5/2020. Tạp chí của Hội Dầu khí Việt Nam.
[2] Nguyễn Phùng Quang: “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị phát điện chạy sức gió tại Việt Nam: Tiềm năng và cơ hội”. Tạp chí Tự động hóa ngày nay, số 12(40)2003, tr. 20-21. Tạp chí của Hội Tự động hóa Việt Nam.
[3] Nguyễn Phùng Quang: “Bùng nổ số lượng dự án phong điện: Liệu Việt Nam đã thực sự sẵn sàng?”. Tạp chí Tự động hóa ngày nay, số 145, 1+2/2013, tr. 38-41 và 65-68. Tạp chí của Hội Tự động hóa Việt Nam.
[4] Wind Energy Resource Atlas of Southeast Asia. TrueWind Solutions, LLC Albany, New York, prepared for The World Bank Asia Alternative Energy Program, September 2001.
[5] Nguyễn Phùng Quang: “General overview of control problems in wind power plants”. Journal of Computer Science and Cybernetics (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), vol. 30, no. 4 (2014), pp. 313-334.
[6] Fritz Santjer, Rainer Klosse: “New Supplementary Regulations for Grid Connection by E.ON Netz GmbH”. DEWI Magazin, no. 22, February 2003
[7] Khánh Ly: “Cơ hội phát triển điện gió ngoài khơi”. Báo điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 06/08/2020. https://baotainguyenmoitruong.vn/co-hoi-phat-trien-dien-gio-ngoai-khoi-308433.html
[8] “250 More Wind Power Projects Proposed: MOIT Concerned About Infrastructure Availability”. PRESS REVIEW, MOIT/GIZ Energy Support Programme, February – April 2020 (26/03/2020)
[9] Sonja Endres: “Vom Winde verweht”. Fraunhofer Magazin 4/19, S. 60-61. Được báo điện tử Baublatt (Thụy Sĩ) đưa lại với tên “Windräder-Recycling: Wohin mit ausgedienten Rotorblättern?”. https://www.baublatt.ch/baupraxis/windraeder-recycling-wohin-mit-ausgedienten-rotorblaettern-29153
GS. TSKH. Nguyễn Phùng Quang
Đại học Bách Khoa Hà Nội