Ngày 16/11, tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị ngành Công thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ V năm 2022 với chủ đề: “Nghiên cứu và xây dựng mô hình phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn ở các địa phương”. Đây là sự kiện trong chuỗi Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh thành năm 2022 do Sở Công thương TP.HCM tổ chức.
Kinh tế đêm không phải là mô hình hoàn toàn mới, mà đã hiện hữu ở nhiều quốc gia trên thế giới và trải qua nhiều thập kỷ tồn tại, phát triển. Tại Việt Nam thời gian qua, mặc dù chưa có số liệu tính toán cụ thể nhưng dễ dàng nhận thấy sự hiện diện của kinh tế đêm ở nhiều nơi, đặc biệt là những thành phố lớn có trình độ kinh tế phát triển, hoặc khu vực có điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội đặc thù vượt trội. Như vậy có thể thấy, kinh tế đêm tồn tại như một thực tại khách quan, xuất phát từ nhu cầu của xã hội và được sự dẫn dắt của thị trường.
Từ góc độ kinh tế, kinh tế đêm phát triển sẽ giúp tối đa hóa lợi ích từ việc sử dụng các nguồn lực sẵn có nhưng không được sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày. Qua đó tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động, khuyến khích tiêu dùng nội địa và hình thành động lực phát triển mới cho các địa phương, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội cả nước.
Hiện nay, các loại hình kinh tế đêm chủ yếu thông qua các hoạt động mua sắm, ẩm thực, giải trí,… phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng cá nhân tại hệ thống các cơ sở thương mại, khu vực dịch vụ như chợ đêm gắn với du lịch, chợ đầu mối nông, lâm thủy sản, phố ăn đêm, khách sạn, các chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24, cửa hàng xăng dầu, các tuyến phố đi bộ,… nhưng các loại hình này mới chỉ phổ biến ở một số thành phố lớn và các khu du lịch phát triển, trong khi tại các địa phương khác loại hình kinh tế này vẫn còn sơ khai, chưa phát triển.
PGS.TS. Nguyễn Quyết Thắng cho biết, để phát triển ngành kinh tế đêm không đơn thuần là phát triển các lĩnh vực dịch vụ thông thường thay vào đó các dịch vụ được triển khai nên được tổ chức bài bản và cao cấp hơn bằng cách tạo ra sự sáng tạo thu hút khách du lịch.
“Chúng ta phải tạo ra một thương hiệu, một điểm nhấn để khách du lịch biết đến ví dụ như khi du khách muốn đi đến thành phố, tỉnh nào đó thì người ta sẽ biết ngay ở tỉnh đó, thành phố đó sẽ có những điểm du lịch nào và có những đặc sản gì. Đặc biệt ở các địa phương, muốn du khách biết đến nhiều hơn, địa phương nên tổ chức các hoạt động giới thiệu về văn hóa, lịch sử gắn với địa phương mình để giới thiệu đến du khách“, ông Thắng bày tỏ.
Xuất phát từ nhận thức trong quản lý cũng như nhu cầu phát triển của xã hội, trong giai đoạn vừa qua, các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương và địa phương đã cho thấy sự chú trọng trong việc phát triển kinh tế đêm, thể hiện trong các văn bản, chính sách và thực tiễn điều hành của mình, tuy nhiên những chiến lược dài hạn và phối hợp liên ngành để quản lý và tối đa hóa lợi ích của kinh tế đêm cũng như sự chủ động, cụ thể hóa các chính sách đó tại các địa phương còn khá ít.
Do đó gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27-7-2020, phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam” với mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm, tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực với công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đề án này là khung chính sách để các cơ quan, tổ chức ở các cấp, ngành, địa phương triển khai nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về phát triển kinh tế đêm trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn cả nước thời gian tới.
Từ góc độ của Bộ Công thương, vấn đề phát triển kinh tế đêm cũng đã sớm được nhận diện và lồng ghép vào các nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai trong công tác quản lý các lĩnh vực công nghiệp và thương mại tại các văn bản chỉ đạo, điều hành hoặc các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách tham mưu trình Chính phủ ban hành.
Gần đây nhất, “Bộ Công thương đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13-7-2021, trong đó các nhiệm vụ và giải pháp về phát triển kinh tế đêm cũng đã được đặt ra. Tại Quyết định 1163 nêu trên, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công thương và UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược để thống nhất triển khai trên cả nước trong giai đoạn sắp tới. Bộ Công thương đã xây dựng, ban hành Quyết định số 111 ngày 27-1-2022 ban hành Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược, đồng thời có Công văn số 445 ngày 27-1-2022 gửi các cơ quan, bộ, ngành có liên quan và các địa phương để phối hợp thực hiện các nội dung của chiến lược. Ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công thương thông tin.
Có thể khẳng định, với bối cảnh và vị thế của Việt Nam như hiện nay, chúng ta có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế đêm dựa trên các tác động tích cực của nhiều yếu tố như tăng trưởng kinh tế, hạ tầng phục vụ kinh tế đêm ngày càng được nâng cấp theo hướng hiện đại, văn minh, dân số trẻ, thu nhập được cải thiện, lao động dồi dào, tài nguyên du lịch phong phú, nét văn hóa đặc sắc cùng với mức độ hội nhập ngày càng cao.
Thanh Huyên
Tại Hội nghị, Ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công thương gợi ý một số giải pháp phát triển ngành kinh tế đêm:
– Tiếp tục rà soát chính sách và khung pháp lý liên quan đến phát triển kinh tế đêm. Tập trung vào các quy định về khu vực hoạt động; sản phẩm ưu tiên phát triển ban đêm; thời gian hoạt động phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý hoạt động kinh tế đêm.
– Tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia các hoạt động thúc đẩy kinh tế đêm.
– Các địa phương cần thực hiện một số công tác như tích cực nghiên cứu và xây dựng mô hình phát triển kinh tế đêm phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn ở địa phương, đặc biệt phù hợp với khả năng xây dựng các cơ sở hạ tầng, nguồn lực đầu tư và khả năng huy động, thu hút đầu tư ở từng địa điểm cụ thể. Bên cạnh đó, xây dựng quy hoạch cụ thể cho các cơ sở hoạt động kinh tế ban đêm; xây dựng các quy định và tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách cho các đơn vị kinh doanh ban đêm tại các điểm tham quan, vui chơi giải trí, cửa hàng tiện ích hoạt động 24/24 giờ
– Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là các cơ quan quản lý chuyên trách tại các địa phương để thúc đẩy kinh tế đêm phát triển hiệu quả, lành mạnh, bền vững.