Ngày 18/8/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Công tác phía Nam (Bộ Khoa học & Công nghệ – KH&CN) đã tổ chức hội thảo khoa học “Đánh giá hiệu quả thực tiễn các phương pháp xét chọn, đánh giá các nhiệm vụ thuộc chương trình khoa học & công nghệ quốc gia đối với doanh nghiệp”.
Tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH&CN các tỉnh, thành phố phía Nam; các tổ chức KH&CN, các Viện, trường, cơ quan giáo dục và nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; các doanh nghiệp ứng dụng KH&CN và các nhà nghiên cứu.
Các nhiệm vụ thuộc chương trình khoa học & công nghệ quốc gia do Văn phòng các chương trình khoa học & công nghệ Quốc gia (Bộ KH&CN) quản lý, gồm một số chương trình như: Phát triển sản phẩm quốc gia; Phát triển công nghệ cao; Đổi mới công nghệ; Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, nhiệm vụ khoa học & công nghệ theo nghị định thư; Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Cục trưởng phụ trách Cục công tác phía Nam (Bộ KH&CN) cho biết: “Việc đánh giá hay phương pháp đánh giá là việc rất lớn, với vai trò là một đơn vị đầu mối vừa kết nối, vừa thúc đẩy các vấn đề thực tiễn ở vùng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhất so với cả nước, từ ý kiến của doanh nghiệp, ý kiến của các nhà khoa học, ý kiến của cộng đồng liên quan đến chương trình khoa học và công nghệ quốc gia. Cục công tác phía Nam đã tham mưu lại cho Trung ương và Bộ KH&CN để có những điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế. Trong gần 20 năm hoạt động các chương trình khoa học & công nghệ quốc gia có rất nhiều điểm sáng, tuy nhiên vẫn đang còn nhiều vấn đề tồn tại mà Bộ Khoa học & Công nghệ đang phải cập nhật lại chính sách, quản lý các chương trình để làm sao có hiệu quả hơn”.
Ông Bùi Văn Quyền – Phó Chủ tịch Thường trực Hội sáng chế Việt Nam cho biết: “Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia là một dấu ấn đánh giá chúng ta tạo lập, xây dựng và phát triển được nhận thức đối vai trò của khoa học, công nghệ. Cần thiết phải ưu tiên, tập trung đầu tư trước một bước cho khoa học & công nghệ, đồng thời đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý khoa học và công nghệ, nhất là cơ chế tài chính nhằm giải phóng năng lực sáng tạo của nhà khoa học, đưa nhanh tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống. Giải pháp đưa ra là tăng cường liên kết giữa các tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp; Tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ cao phải là hướng ưu tiên trong hội nhập quốc tế. Có như vậy nền khoa học & công nghệ Việt Nam mới không tụt hậu so với thế giới”.
Trong giai đoạn 2016 – 2020 đã có 39 chương trình khoa học & công nghệ quốc gia được triển khai với tổng kinh phí trên 19.000 tỷ đồng, chiếm 41,67% tổng số kinh phí sự nghiệp khoa học & công nghệ. Các chương trình đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh thu trung bình hằng năm của các doanh nghiệp. Đồng thời, giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa trong quá trình sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Giai đoạn 2021 – 2030, 17 chương trình khoa học & công nghệ Quốc gia đã được Bộ KH&CN phê duyệt. Bộ KH&CN cũng đã tiến hành cơ cấu lại các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030 với nhiều điểm mới như bám sát Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 và quan điểm chỉ đạo về lấy doanh nghiệp làm trung tâm, chú trọng thu hút nguồn lực xã hội, đặc biệt là từ Quỹ phát triển KH&CN của các doanh nghiệp. Các chương trình KH&CN quốc gia có sự kết nối, liên thông, có tính ứng dụng cao đối với phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội. Các vấn đề mang tính cấp bách có thể được duyệt ngay, thay vì chờ theo từng đợt như trước đây. Đồng thời, Bộ KH&CN cũng phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành các thông tư liên quan đến tài chính, nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà khoa học.
Các nội dung, nhiệm vụ thuộc chương trình KH&CN quốc gia đối với doanh nghiệp nhìn từ góc độ quản lý nhà nước tại các tỉnh, thành phía Nam, cũng như hiệu quả ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học từ các chương trình KH&CN quốc gia trong sản xuất của doanh nghiệp hiện đang được triển khai nhưng chưa phát huy được hết hiệu quả trong thực tiễn.
PGS.TS. Phạm Ngọc Tuấn – Nguyên Phó Trưởng khoa cơ khí, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhà nước cần mạnh dạn thí điểm 5 – 10 năm tới, cơ quan chủ trì hoặc chủ nhiệm đề tài được hưởng hoàn toàn kết quả nghiên cứu, quyết định cho sản phẩm của mình. Điều này sẽ tạo điều kiện khi các nghiên cứu được thương mại hóa, mang lại giá trị kinh tế. Khi sản phẩm ra thị trường, nhà nước có thể thu hồi ngân sách thông qua quá trình đóng các loại thuế cao hơn”.
Trong khi đó, PGS.TS. Lê Trung Thiên – Trưởng bộ môn công nghệ sau thu hoạch của Trường ĐH Nông lâm TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Thực tế hiện nay doanh nghiệp và nhà khoa học chưa gặp được nhau về nhu cầu công nghệ. Các đề tài cần có thời gian đăng ký, mất vài năm mới triển khai và có kết quả nhưng nhu cầu doanh nghiệp cần sản phẩm ngay, có khi trong 6 tháng đến một năm. Khi sản phẩm nghiên cứu xong thì nhu cầu doanh nghiệp đã qua rồi. Nhà khoa học phải tìm hiểu nhu cầu doanh nghiệp trước, cho ra sản phẩm kịp với nhu cầu thị trường. Ngoài ra, các thủ tục hành chính, sử dụng kinh phí cần theo hướng linh hoạt hơn, không bị gò bó để tạo điều kiện cho nhà khoa học đưa các đưa các kết quả nghiên cứu đến nhanh hơn với doanh nghiệp sản xuất”.
Đạm Lê Quang