Đây là 2 nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số ngành Giáo dục được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết tại Hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo” diễn ra ngày 9/12 tại Hà Nội. Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Để thực hiện được 2 nhiệm vụ quan trọng đó, ngành Giáo dục đặt ra 2 mục tiêu cơ bản:
Thứ nhất, chuyển đổi cách dạy và học, cách quản trị, quản lý dựa trên công nghệ số, hướng tới hệ thống giáo dục đào tạo với chi phí thấp, tiếp cận dễ dàng với mọi người dân.
Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết với nâng cao năng lực về khoa học công nghệ phục vụ phát triển nền kinh tế số, xã hội số và quốc gia số.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng nhấn mạnh: Câu chuyện chuyển đổi số nằm ở tầm nhìn chiến lược, cách làm chứ không phải vấn đề công nghệ. Chuyển đổi số phải lấy con người làm chủ thể thì ngành Giáo dục mới thực hiện tốt mục tiêu đào tạo nhân lực cho xã hội.
Có 4 giải pháp cụ thể mà ngành Giáo dục nêu ra để thực hiện gồm: Phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về GD-ĐT; Phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số; Xây dựng và triển khai khung năng lực số cho học sinh phổ thông; Phát triển triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Để thực hiện tốt các giải pháp này, Thứ trưởng kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ xây dựng Đề án chuyển đổi số ngành GD&ĐT giai đoạn 2021 – 2025; Văn phòng Chính phủ hỗ trợ kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp xây dựng và triển khai các chính sách, đề án, dự án; hỗ trợ kết nối với các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn các doanh nghiệp chung tay xây dựng nền tảng dùng chung trong ngành Giáo dục và hợp tác với các cơ sở GD-ĐT trong đào tạo nguồn nhân lực.
Doanh nghiệp đồng lòng chuyển đổi số ngành Giáo dục
Đa số các doanh nghiệp tham gia hội thảo cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đã phối hợp với nhiều bộ ngành triển khai các giải pháp công nghệ cụ thể. Ví dụ cùng VNPT triển khai giải pháp VNPT E – Learning đến hơn 21.000 trường học; 600.000 giáo viên, 8 triệu học sinh và hơn 1 triệu bài giảng được tạo ra.
Hiến kế cho chuyển đổi số trong Giáo dục, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã nêu ra nhiều ý tưởng, kiến nghị.
Ông Phạm Đức Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc VNPT cho rằng việc đầu tiên cần làm là xây dựng cơ sở dữ liệu ngành để tạo nên môi trường số. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phát triển kỹ năng số cho học sinh, sinh viên; phát triển nhân lực chất lượng cao bằng cách kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp. Ông Long khẳng định, Tổng công ty sẵn sàng cung cấp chuyên gia công nghệ để cùng tư vấn, làm việc với nhà trường về việc này.
Đồng quan điểm, ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho rằng ngành Giáo dục đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, đã ban hành chuẩn kết nối, chuẩn cơ sở dữ liệu từ năm 2019 nhưng các quy chuẩn này vẫn chưa đầy đủ đồng bộ, còn rời rạc nên cơ sở dữ liệu của các địa phương chưa thực sự kết nối hoàn toàn với Bộ. Hay việc có khoảng 16 phần mềm được sử dụng trong một nhà trường, nhưng rời rạc bất tiện cho người dùng cũng như không thuận tiện cho việc kết nối cơ sở dữ liệu từ Bộ. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xây dụng nền tảng chuẩn để triển khai đồng bộ nhà trường thông minh.
Ông Dũng đề xuất Bộ cần sớm ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0 cho ngành, đồng thời ban hành quy chuẩn công nghệ, kiến trúc thiết kế, yêu cầu nghiệp vụ với các sở, phòng giáo dục và nhà trường.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FPT cho rằng tất các dân tộc đang bước vào cuộc đua số, Việt Nam đang đứng trước ở vạch xuất phát trong cuộc đua này nên có thể thực hiện “ước mơ thần tốc” chuyển đổi số quốc gia nói chung và ngành Giáo dục nói riêng. Do đó, ông hy vọng “Bộ trưởng GD&ĐT cùng Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông mở tất cả cánh cửa để có một cuộc chiến thần tốc”.
Minh Phúc