Những ngày này khi bạn đi trên đường đã bắt gặp hình ảnh những shipper của hãng Lazada, những graper chạy xe ôm công nghệ của hãng Grap hoặc một số người dân tham gia giao thông bằng chiếc xe máy điện mới lạ mang thương hiệu Selex Camel. Điều đáng tự hào, đó là hình ảnh của những chiếc xe được sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam, là kết tinh trí tuệ và tâm huyết của người Việt Nam, mà đứng đầu là TS. Nguyễn Hữu Phước Nguyên – CEO/CTO công ty Selex Motors.
• Ra mắt xe máy điện của người Việt: cách mạng xanh trong lĩnh vực giao vận
Ý tưởng khởi nghiệp táo bạo, đầy tâm huyết
Mang trong mình ý chí và tinh thần hiếu học vốn có của người miền Trung đầy nắng và gió (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), Nguyễn Hữu Phước Nguyên khi học hết năm thứ nhất của trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã vinh dự là một trong 10 sinh viên xuất sắc của Việt Nam được tập đoàn dầu khí PETRONAS cấp học bổng toàn phần du học tại Malaysia. Sau khi tốt nghiệp đại học loại xuất sắc ngành Kỹ thuật Cơ khí, Phước Nguyên đã dành được học bổng VEF để làm nghiên cứu sinh trong cùng lĩnh vực tại trường Đại học Michigan, Ann Arbor, Hoà Kỳ. Cũng từng có cơ hội phỏng vấn và được một số tập đoàn công nghệ tại Mỹ tuyển dụng, trong đó có hãng Apple, nhưng năm 2014, chàng trai trẻ sinh năm 1983 vẫn quyết định về nước sớm, rồi vào làm việc cho Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel. Vốn nung nấu ý tưởng sẽ có ngày khởi nghiệp nên sau hơn 3 năm làm việc tại đây, Phước Nguyên đã quyết định rời doanh nghiệp để thực hiện kế hoạch của bản thân.
Quyết định rời doanh nghiệp chỉ sau một tuần, khi lóe lên được ý tưởng cho khởi nghiệp không chỉ là bất ngờ cho đồng nghiệp, bạn bè và người thân mà còn cho chính bản thân Phước Nguyên. Bởi có ham muốn khởi nghiệp, tuy nhiên trước đó Phước Nguyên vẫn chưa tìm được ý tưởng để dấn thân. Năm 2018, TS. Nguyễn Hữu Phước Nguyên thấy “cần phải nắm bắt cơ hội trăm năm mới có một lần”. Cơ hội mà Phước Nguyên nói đến chính là nhìn thấy sự chuyển dịch lớn trong giao thông cả trên thế giới và tại Việt Nam. Xe đang chuyển từ động cơ đốt trong sang nhiên liệu hóa thạch tiến đến giao thông xanh và thông minh, trong đó, xe điện sẽ là nòng cốt cho sự chuyển dịch này. Ngoài ra còn có các yếu tố khác như tích hợp các công nghệ mới IoT, dữ liệu lớn. Giao thông thông minh ngoài giao thông xanh còn mang lại nhiều giá trị mới mẻ hơn cho con người, thay vì giá trị truyền thống là chỉ đi lại từ điểm A đến điểm B, đồng thời thay đổi hệ sinh thái, hạ tầng giao thông. Đây không chỉ cơ hội cho bản thân mà còn cho Việt Nam.
Phước Nguyên cũng cho rằng, thực tế Việt Nam đã bỏ qua nhiều cơ hội của các làn sóng công nghệ. Do đó, đây là cơ hội để mình làm mới, là cơ hội để doanh nghiệp đi tắt đón đầu cạnh tranh với nước ngoài, phát triển có chiều sâu. Qua đó thúc đẩy phát triển bền vững, có chiều sâu cho đất nước.
Từ chỗ chưa rành về xe điện đến ra mắt dòng xe giao vận đầu tiên của Đông Nam Á
Tâm huyết với ý tưởng làm xe điện rồi trở thành Founder của công ty khởi nghiệp Selex Motors, tuy nhiên, Phước Nguyên không phải là người rành về xe máy điện. Phước Nguyên cho biết, ban đầu khi về nước thấy xe máy chạy bằng xăng rất nhiều và đặt ra câu hỏi vì sao xe máy điện chưa phổ biến. Qua tìm hiểu thấy có 2 vấn đề chính: Thứ nhất là sự bất tiện trong năng lượng, xe điện nạp 3 – 8 tiếng mới đầy pin, nếu hết pin dọc đường không biết làm thế nào. Thứ 2 là giá thành, xe điện phải dùng pin và pin chiếm đến 50% giá thành, dẫn đến xe điện khó cạnh tranh với xe xăng nếu cùng giá. Vấn đề thứ 3 rất quan trọng là cần có sự chuyển dịch về giao thông thông minh, như phải kết nối được với hạ tầng thông minh, với người dùng,… Tất cả đều phải mang lại giá trị mới cho người dùng và xã hội.
Khi nhìn thấy cơ hội đó thì nghĩ ngay đến giải pháp đổi pin. Khách hàng không cần mua pin, đi bao nhiêu trả phí bấy nhiêu sẽ giải quyết được hai bài toán đầu, vừa tiện lợi vừa giảm chi phí do không phải tính giá bao gồm pin.
May mắn là ý tưởng của Phước Nguyên đã nhận được sự đồng thuận của một nhà khoa học trẻ khác, là TS. Nguyễn Trọng Hải – giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Từ chỗ là bạn cùng học tiến sĩ tại Mỹ thành cùng nhau khởi nghiệp. Khởi nghiệp trong lúc vừa thiếu vốn, vừa thiếu kinh nghiệm chuyên môn nhưng cũng nhờ có người bạn đồng hành này mà các thành viên mới có được một căn phòng cũ kĩ bỏ hoang (chờ xây tòa nhà mới) trong khuôn viên Trường Bách khoa. Một năm tại căn phòng này nhóm bắt đầu nghiên cứu phát triển giải pháp cho xe điện, từ các thành phần trên xe như điều khiển động cơ, pin cho xe,… Ngoài ra, nhóm cũng tận dụng được một xưởng khác nằm ngoài khuôn viên của Trường Bách khoa để mày mò thực hiện nghiên cứu phát triển và chế tạo mẫu.
“Bản thân chỉ có một số nền tảng về cơ khí còn về điều khiển động cơ chưa làm bao giờ. Thời điểm này có 4 người, mỗi người có một thế mạnh để phát huy gồm cơ khí, điện tử, phần mềm, thiết kế kiểu dáng, dần sau đó tăng lên 10 người”. Phước Nguyên chia sẻ.
Để kiên định với ý tưởng, mục tiêu mang lại tiện ích, hiệu quả cho người dùng, ngay từ đầu Công ty Selex Motors cũng đã quyết tâm tạo dựng hệ sinh thái cho xe điện gồm: Xe máy điện thông minh; pin có tính tương thích cao; trạm đổi pin tự động; và nền tảng quản lý sử dụng công nghệ IoT.
“Lựa chọn cả một hệ sinh thái ngay từ đầu là vô cùng khó khăn. Thực ra làm xe điện có nhiều cách, có thể mua xe về bán, hoặc nhập về lắp ráp, mua công nghệ có sẵn thì rất nhanh. Nhưng tất cả các sản phẩm đó đều không làm chủ được công nghệ và không bao giờ có được sản phẩm mới nhất, tốt nhất, như vậy rất khó để mình cạnh tranh lâu dài. Do đó, Selex chọn con đường tự thân, tuy khó nhưng để lâu dài và bền vững hơn”. Phước Nguyên chia sẻ về lựa chọn của mình và cũng tự hào cho biết bằng cả mồ hôi, nước mắt và thời gian nên sau 4 năm Selex Motors đã phát triển được hệ sinh thái đó.
Về mặt công nghệ, Selex Motors đã đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ bản quyền nhằm sản xuất ra loại pin có độ tính tương thích cao, sử dụng tốt cho 70% chủng loại xe máy điện đang lưu hành trên thị trường. Lợi thế này giúp khách hàng của rất nhiều hãng xe điện khác có thể chia sẻ cùng một mạng lưới đổi pin, mở ra cơ hội xây dựng hạ tầng năng lượng chung cho xe máy điện, mà không phải riêng dòng xe Selex Camel. Giải pháp pin cho xe giao vận đã trở thành công nghệ độc quyền và đã được cấp bằng sáng chế. Thực tế cũng đã chứng minh hiệu quả. Người dùng có thể linh hoạt dùng 1 hay 3 pin tùy nhu cầu sử dụng, người dùng cũng có thể vừa kết hợp mua pin tự sạc, cũng có thể kết hợp thuê thêm pin nếu phát sinh nhu cầu. Giá thành đầu tư xe ban đầu không đắt, chỉ khoảng 22 triệu đồng. Chi phí vận hành giảm đáng kể do so với dùng xăng giảm được 25-35% chi phí nhiên liệu, chi phí bảo trì giảm 50%.
Ngoài ra, do 100% xe được thiết kế sản xuất trong nước nên làm chủ công nghệ hoàn toàn. Toàn bộ sản phẩm được quản lý bằng hạ tầng IoT, được quản lý bằng app, từ theo dõi pin tại các trạm, pin trên lộ trình di chuyển, đổi pin, bảo hành,… từ đó có được nhiều thông tin để cái tiến dịch vụ, sản phẩm mới.
Sau 4 năm, mặc dù bắt đầu gần như con số 0 cả về mặt công nghệ lẫn tài chính, ngày 27/11/2022, tại Hà Nội, Selex Motors đã làm được điều kỳ diệu là ra mắt thị trường dòng xe điện giao vận đầu tiên của khu vực Đông Nam Á, tạo nên cuộc cách mạng xanh trong lĩnh vực giao vận.
“Lựa chọn nào cũng là khó khăn, nếu không kiên định thì chẳng đi đến đâu”
Khi được hỏi về những khó khăn mà Sexlex Motors phải trải qua thời gian đầu khởi nghiệp, Phước Nguyên nhớ lại những ngày đầu tiên trong căn phòng đi mượn tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tại đây 2 đồng sáng lập Selex Motors đã vừa thực hiện nghiên cứu vừa gây dựng nhân sự, từ chỗ 2 người, 3 người rồi lên đến 10 người. Cả nhóm lăn lộn, miệt mài với các giải pháp kỹ thuật cho pin, có lần còn suýt gây ra hỏa hoạn lớn vì thử nghiệm pin, ngủ quên dẫn đến cháy pin. Đến năm thứ 2 khi đã tăng nhân sự lên, để đáp ứng nhu cầu công việc Selex Motors lại chuyển đến một địa điểm khác tại quận Thanh Xuân. Nơi đây đã được Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng mô tả là nơi chi chít, la liệt những mô hình gỗ, mô hình mô phỏng, bản vẽ, khu vực thử mạch điện,… Cũng vì chứng kiến những hình ảnh đó khi đến thăm cơ sở này vào năm 2019 nên Thứ trưởng Trần Văn Tùng cảm phục, thấy sự quyết tâm, đam mê của nhóm nghiên cứu. “Khi nhìn thấy những hình ảnh đó, tôi tin các anh làm được và rất ủng hộ vì tôi nhìn thấy sự quyết tâm trí tuệ của người Việt Nam”. Thứ trưởng nhấn mạnh tại lễ ra mắt Selex Camel.
Không có con đường tắt nào cả, Selex Motors mất 2 năm để tạo nền tảng về mặt công nghệ. Ban đầu thứ mà người sáng lập chính của Selex Motors có trong tay mới chỉ là các ý tưởng, cộng với một ít vốn tiết kiệm được, vay mượn thêm. Khó khăn rất nhiều, nhất là trong lĩnh vực xe điện, khó hơn nhiều so các khởi nghiệp như phần mềm hay các dịch vụ thương mại khác. Ngoài việc khó huy động vốn do lĩnh vực mới mẻ, kén nhà đầu tư, gần như cả Đông Nam Á không có startup như vậy. Ngoài ra còn khó trong phát triển sản phẩm vì công nghệ mới, phần cứng cũng đòi hỏi lâu dài và vốn lớn. Để quy tụ người am hiểu về lĩnh vực xe điện tại Việt Nam cũng là thử thách rất lớn cho công ty.
“Lựa chọn nào cũng có khó khăn, nếu không kiên định với lựa chọn của mình thì sẽ không đi đến đâu cả, đồng thời cũng phải linh hoạt với môi trường, những thay đổi khách quan để linh hoạt điều chỉnh sao cho đạt được mục tiêu. Như Selex đã phải điều chỉnh mục tiêu sản phẩm ban đầu là phát triển dòng xe cao cấp như SH của Honda sang dòng xe giao vận nhưng vẫn đạt được mục tiêu lớn là thúc đẩy được chuyển dịch giao thông xanh bắt đầu từ xe điện và vẫn trung thành với hướng xây dựng hệ sinh thái một cách trọn vẹn và triệt để”. Founder Phước Nguyên chia sẻ về những khó khăn cũng như kinh nghiệm khởi nghiệp của mình. Cũng chính vì điều này mà sau 3 năm Selex Motors có được nhà đầu tư thiên thần, rồi năm 2021 gọi được vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Ý tưởng khỏi nghiệp ban đầu của Selex Motors là nhắm vào phân khúc xe máy điện cao cấp như dòng SH của Honda, tạo nên sự khác biệt với giải pháp đổi pin. Sau 2 năm tập trung cho ý tưởng đó và tạo nền tảng về mặt công nghệ thì gặp đại dịch Covid-19, các nhà sáng lập thấy thị trường không còn phù hợp nên chuyển dịch sang hướng giao vận. Quyết định đúng đắn này của Selex Motors lập tức hấp dẫn ngay thương hiệu vận chuyển Ladada.
Khi được hỏi vì sao lại không giống nhiều người khi du học xong muốn ở lại nước ngoài tạo lập sự nghiệp, Phước Nguyên cho biết, bản thân từ khi đi học đã xác định du học để trải nghiệm, học hỏi chứ không có ý định ở lại nên việc về nước là rất tự nhiên, phù hợp kế hoạch ban đầu. “Vì đã đi nhiều nơi nên thấy ở đâu cũng thích nghi được nhưng quan trọng là tạo được giá trị gì ở đó. Ở Việt Nam có nhiều ý nghĩa, tạo nên giá trị lớn hơn, phát huy bản thân mình tốt hơn, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của đất nước”. Tâm huyết đó của Phước Nguyên cùng các thành viên sáng lập khác tại Selex Motors bước đầu đã thành công. Lazada Logistics đã tiên phong nhận bàn giao lô xe máy điện đầu tiên từ Selex Motors để đưa vào hoạt động. Ở ngoài đường, chúng ta cũng đã rải rác thấy hình ảnh của những chiếc xe máy điện Selex Camel đang được đội ngũ xe ôm công nghệ Grap sử dụng. Chia sẻ về mục tiêu những năm tới, CEO Selex Motors cho biết sẽ không chỉ có xe vận chuyển mà sẽ có các mẫu xe khác, phân khúc khác với trình độ công nghệ cao hơn nữa, thêm các dịch vụ mới, tính năng mới nhằm tối ưu cho người dùng.
Khi tôi trò chuyện với Phước Nguyên về câu chuyện khởi nghiệp của các thành viên cũng là thời điểm sắp kết thúc năm 2022, nhìn sang năm mới tôi có niềm tin rằng ý chí và những tâm huyết của các thành viên đồng sáng lập Selex Motors sẽ đạt được mục tiêu thúc đẩy chuyển dịch giao thông xanh, mang lại nhiều giá trị mới cho người dùng và xã hội.